Sau 4 năm Pyn Elite Fund cắt lỗ, một quỹ ngoại mua HUT với giá gấp 10 lần
Tính đến thời điểm 5/10, VNM ETF đang có tổng giá trị tài sản ròng (NAV) đạt gần 553 triệu USD (khoảng 13.000 tỷ đồng). Danh mục của quỹ có một số thay đổi từ ngày 25/9 đến 4/10.
Hầu hết các cổ phiếu trong danh mục đều bị bán ra với số lượng dưới 700.000 đơn vị, nhiều nhất tại HPG (675.300 đơn vị), VND (564.900 đơn vị) và NVL (556.300 đơn vị). Trường hợp KDH, số lượng cổ phiếu gia tăng 208.184 đơn vị, nhiều khả năng do doanh nghiệp bất động sản này chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Ngoài ra, danh mục còn có chứng chỉ quỹ FUEVFVND với tỷ trọng không đáng kể.
Giao dịch quan tâm nhất là ETF ngoại đã mua vào 8,44 triệu cổ phiếu HUT, nâng tỷ trọng lên mức 2,42%, tương ứng với hơn 14 triệu đơn vị. Với thị giá quanh 22.000 đồng/cp, ước tính giá trị giao dịch của ETF khoảng 180 tỷ đồng.
Trước đây, một quỹ ngoại khác - Pyn Elite Fund từng là cổ đông lớn kể từ tháng 3/2015, sau khi nâng sở hữu từ 3% lên mức 5,3%. Thời điểm đó, HUT có giá xấp xỉ 9.500 đồng (giá đã điều chỉnh). Quỹ đầu tư này liên tục nâng sở hữu trong suốt những năm sau đó khi mà viễn cảnh kinh doanh của HUT vẫn còn tươi sáng. Pyn Elite Fund cũng tham gia mua 5 triệu cổ phiếu trong đợt Tasco chào bán riêng lẻ 50 triệu cp với giá 10.000 đồng/cp năm 2017.
Tuy nhiên, Pyn Elite Fund bán 20 triệu cổ phiếu HUT vào tháng 3/2020, giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ mức 9,83% xuống còn 2,39%. Thời điểm này, quỹ ngoại đến từ Phần Lan bán khớp lệnh trên sàn khi thị giá quanh mức 1.800 đồng/cp (giá điều chỉnh). Ước tính Pyn Elite Fund cắt lỗ hàng trăm tỷ đồng với khoản đầu tư cổ phiếu HUT.
Song, một điểm khác biệt giữa Pyn Elite Fund và VanEck Vectors Vietnam ETF ở khẩu vị đầu tư. Quỹ đến từ Phần Lan đầu tư vào Tasco phần nhiều dựa vào nền tảng cơ bản doanh nghiệp. Trong khi với VNM ETF, quyết định đầu tư dựa trên nguyên tắc của quỹ, điều kiện vốn hóa, thanh khoản cổ phiếu để bổ sung vào rổ danh mục hơn là yếu tố nền tảng, năng lực tài chính hay triển vọng của doanh nghiệp.
Trở lại với Tasco, doanh nghiệp này đổi chủ sau khi quỹ ngoại thoái vốn và gia nhập hệ sinh thái của doanh nhân Vũ Đình Độ. Hậu đổi chủ, Tasco có sự thay đổi trong cấu trúc doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh. Mới đây nhất, Tasco thực hiện phát hành gần 544 triệu cổ phiếu để hoán đổi với cổ phần của các cổ đông cá nhân tại SVC Holdings sau khi hoàn tất sáp nhập.
Báo cáo tài chính sau sáp nhập, doanh thu thuần năm 2022 của Tasco đạt gần 26.847 tỷ đồng, (trong đó phần của Tasco lúc chưa sáp nhập là 1.073 tỷ đồng), gấp hơn 13 lần so với doanh thu quy ước năm 2021. Quy mô doanh thu này cao hơn đáng kể mức lợi nhuận sau thuế quy ước năm 2022 gần 551 tỷ đồng (trong đó lợi nhuận của SVC Holdings là 407 tỷ và Tasco lúc chưa sáp nhập gần 144 tỷ).
Quy mô vốn hóa của Tasco cũng đạt trên 20.000 tỷ đồng, có thời điểm gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp giá trị tỷ USD. Tuy nhiên, cũng giống như doanh thu, mức vốn hóa này gấp nhiều lần doanh nghiệp khác có cùng mức lợi nhuận 500 - 600 tỷ đồng/năm.