|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sau Trung Quốc, đến lượt Hồng Kông bị S&P đánh tụt tín nhiệm

13:41 | 23/09/2017
Chia sẻ
Đây là lần thứ hai Hồng Kông bị hạ tín nhiệm sau Trung Quốc do mối liên hệ mật thiết với Đại lục.
sau trung quoc den luot hong kong bi sp danh tut tin nhiem

Một góc Hồng Kông. Ảnh: HK Express

S&P Global Ratings hôm 22/9 đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Hồng Kông chỉ một ngày sau khi cơ quan này đánh tụt tín nhiệm của Trung Quốc lần đầu tiên kể từ 1999, do “các mối quan hệ mật thiết về thể chế và chính trị” giữa đặc khu hành chính và đại lục.

Theo đó, xếp hạng nhà phát hành dài hạn của Hồng Kông bị hạ 1 bậc từ AAA về mức AA+. Hôm thứ Năm, S&P hạ xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc xuống còn A+ từ mức AA+ do các rủi ro từ nợ và tín dụng tăng mạnh, đồng thời hạ triển vọng từ ổn định xuống tiêu cực.

“Chúng tôi hạ bậc tín nhiệm của Hồng Kông để phản ánh các rủi ro lan truyền tiềm ẩn đối với đặc khu hành chính nếu quá trình giảm nợ tại Trung Quốc có biểu hiện bị gián đoạn hơn chúng tôi dự báo”, S&P nói trong một thông cáo.

Đây là lần thứ hai Hồng Kông bị hạ tín nhiệm sau Trung Quốc. Moody’s trong tháng 5 đã hạ tín nhiệm của Hồng Kông, đồng thời hạ triển vọng của đặc khu này xuống tiêu cực từ ổn định sau khi hạ tín nhiệm của Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 1989.

Người đứng đầu cơ quan tài chính của Hồng Kông Paul Chan không đồng tình với việc hạ bậc này của S&P, bởi thành phố này có cấu trúc thị trường lành mạnh và các chế tài mạnh để ngăn chặn mọi rủi ro lây làn từ Trung Quốc.

“Sau Trung Quốc, Hồng Kông bị hạ bậc tín nhiệm là điều tự nhiên”, theo Mark McFarland, kinh tế gia trưởng tại châu Á của Union Bancaire Privee. Trước đó, S&P đã được dự đoán sẽ theo chân các tổ chức khác hạ tín nhiệm của Trung Quốc.

Dù S&P khẳng định rằng các chỉ số tín dụng của Hồng Kông vẫn “rất chắc chắn” do sức mạnh của chính quyền trung ương ở Bắc Kinh, nhưng đặc khi này phải đối mặt với một số thách thức từ giá bất động sản tăng cho đến kế hoạch nâng lãi suất của Fed. Do đồng đô la Hồng Kông neo vào đồng USD nên chịu tác động của chính sách tiền tệ của Mỹ.

Giới phân tích tỏ ra lo ngại về mức độ tăng trưởng nợ ở Trung Quốc. Tổng vay nợ tại nước này lến đến 260% GDP vào cuối năm 2016, so với 162% vào năm 2008, theo ước tính của Bloomberg.

Động thái hạ bậc tín nhiệm của S&P có thể không khiến giới lãnh đạo Trung Quốc hài lòng trong bối cảnh nước này sẽ tiến hành Đại hội Đảng 19 vào tháng sau.

Minh Anh