Sầu riêng Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ Thái Lan, Malaysia tại thị trường Trung Quốc
Kể từ tháng 9/2022, sầu riêng Việt Nam đã chính thức được cấp “visa” xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Dấu mốc quan trọng này đã mở ra triển vọng tươi sáng cho ngành rau quả Việt Nam trong năm 2023.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo năm nay, sầu riêng có thể trở thành mặt hàng tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả vươn tới mốc 4 tỷ USD.
Triển vọng cho mặt hàng sầu riêng khá tươi sáng, tuy nhiên hành trình đến với dấu mốc 1 tỷ USD vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tại Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây), đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu) cho biết tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Thái Lan, Malaysia do xuất khẩu chính ngạch muộn hơn so với các đối thủ.
Bên cạnh đó, hai nước này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu quy mô hơn Việt Nam. Mặt khác, thương hiệu của sầu riêng Thái Lan, Malaysia tại thị trường Trung Quốc cũng đang mạnh hơn, đây là cản trở với sầu riêng Việt Nam.
Sunwah đề xuất Bộ NN&PTNT nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách cho doanh nghiệp này phối hợp với các doanh nghiệp đóng gói của phía Việt Nam, góp phần tiêu chuẩn hóa nguồn hàng, đông lạnh sản phẩm, vận chuyển...
“Để thắng trên thị trường, sầu riêng Việt Nam phải có thương hiệu. Từ sầu riêng, sẽ kéo theo các loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường tạo thương hiệu lành mạnh”, đại diện Sunwah nói.
Bên cạnh đó, Sunwah dẫn kết quả nghiên cứu thị trường cho rằng Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu khoai tây, cam, quýt vào Vân Nam. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch, có nhiều thương vụ vi phạm điều kiện hợp đồng. Điều này ảnh hưởng xấu đến uy tín xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Sunwah đề xuất cùng doanh nghiệp Việt Nam tạo sàn giao dịch, cải thiện quá trình thương mại giữa doanh nghiệp hai nước.
“Nhìn nhận khách quan, nông sản Việt Nam vào Trung Quốc nhiều, ngược lại thì ít. Song dù thế nào thì hàng hóa chất lượng cao mới là điều khiến nông sản Việt Nam tạo nên vị thế”, đại diện Sunwah nói.
Cũng từng nói về xây dựng thương hiệu cho ngành rau quả Việt Nam, bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết thực tế chất lượng trái cây Việt Nam không thua kém các nước bạn nhưng vấn đề xây dựng thương hiệu lại rất nan giải.
“Một trái sầu riêng Việt hiện được bán với giá 200.000 đồng/kg, nhưng nếu thương hiệu sầu Việt được đăng ký sở hữu trí tuệ tại các nước thì giá sẽ cao hơn. Đơn cử như trái sầu riêng gai đen của Malaysia có thể bán với giá 1.000 USD/trái. Thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao hơn nguyên liệu đơn thuần”, bà My nói.
Do vậy, vị này khuyến cáo các doanh nghiệp bên cạnh việc nâng cao chất lượng, mẫu mã, cần chú trọng đến việc phát triển thương hiệu cho sản phẩm để bán được giá tốt hơn.