|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đơn hàng lớn, tiềm năng cao nhưng sầu riêng xuất khẩu đang thiếu 'vé thông hành'

07:16 | 03/03/2023
Chia sẻ
Cùng với sự mở cửa trở lại của thị trường lớn nhất là Trung Quốc, rau quả đặt kỳ vọng vào các mặt hàng chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối sẽ mang về giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD. Tuy nhiên, khó khăn lớn đối với doanh nghiệp là mất rất nhiều thời gian để chờ xét cấp mã số vùng trồng cũng như mã số cơ sở đóng gói, đây được xem là 'tấm vé thông hành' để chính thức vào Trung Quốc.

Thanh long, chuối sẽ cùng sầu riêng hướng đến mốc 2 tỷ USD

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết trong tháng 2, xuất khẩu rau quả đạt 592 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là một trong số ít mặt hàng nông sản chính tăng trưởng khi hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác sụt giảm. 

Còn theo báo cáo của Tổng cục hải quan, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất rau quả Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm nay, chiếm hơn 57% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả, tăng so với mức 50% của cùng kỳ năm ngoái.  

Việc tăng đáng kể tỷ trọng từ thị trường láng giềng này được cho sẽ là động lực để ngành hàng thực hiện mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, sầu riêng sẽ là sản phẩm dẫn đầu trong các loại rau quả xuất sang Trung Quốc.  

Minh chứng là ngay sau khi thi trường này mở cửa trở lại từ đầu tháng 1/2023, các đối tác đã tăng cường nhập khẩu các loại rau quả thông qua việc gia tăng đơn đặt hàng đối với doanh nghiệp Việt Nam.  

Chia sẻ với người viết tại buổi khai mạc triển lãm quốc tế về rau quả (HortEx Vietnam 2023) diễn ra ngày 1/3, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, một trong 25 doanh nghiệp Việt Nam có mã số về sầu riêng, mã số vùng trồng xuất thị trường Trung Quốc, cho biết trong các tháng đầu năm nay đơn hàng của doanh nghiệp tăng 25%, tình hình các quý II, III và IV cũng khả quan hơn  so với cùng kỳ năm ngoái.

"Công ty đã ký hợp đồng với đối tác Hong Kong cung cấp 1.500 container sầu riêng trong năm 2023. Với việc Việt Nam vừa được cấp thêm hơn 160 mã số vùng trồng và hơn 60 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng, tôi cho rằng sản lượng sầu riêng xuất khẩu trong năm nay sẽ tăng cao không chỉ riêng Vina T&T mà tăng chung toàn ngành", ông Tùng chia sẻ.

Cùng với sầu riêng, các mặt hàng khác như thanh long, chuối cũng được kỳ vọng sẽ mang về giá trị xuất khẩu cao để cùng góp vào mục tiêu chung của toàn ngành.

Cụ thể, thanh long, đứng top đầu về các mặt hàng xuất khẩu ngành rau quả, cũng có cơ hội tăng tốc trở lại trong năm 2023 nhờ việc Trung Quốc mở cửa. Các thị trường lớn như Australia, Mỹ, Nhật Bản… cũng tăng nhập khẩu loại trái cây này và được hỗ trợ bởi giá cước vận tải đã hạ nhiệt. Do đó, khả năng lấy lại được mốc tỷ USD với loại quả này được các chuyên gia đánh giá tương đối khả quan.

Thanh long là vẫn mặt hàng rau quả xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, được người tiêu dùng trong và ngoài nuóc quan tâm tìm hiểu tại HortEx Vietnam 2023 diễn ra từ 1-3/3 tại TP HCM. (Ảnh: Như Huỳnh)

Chuối cũng có kỳ vọng mang về giá trị xuất khẩu lớn hơn nhiều so với con số hơn 300 triệu USD của cả năm ngoái, do “bệ phóng” là Nghị định thư về xuất khẩu được ký với Trung Quốc tháng 11/2022. Tính riêng thị trường đã chi hơn 1 tỷ USD nhập chuối mỗi năm, trong đó, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu chuối lớn thứ hai sang thị trường này, sau Philippines.

"Chuối vừa được Trung Quốc mở cửa. Mặc dù giá trị không cao bằng sầu riêng, thanh long nhưng sản lượng đạt hơn 2,3 triệu tấn/năm. Với sản lượng lớn như vậy, mặt hàng này cũng sẽ đóng góp không nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam", ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) chia sẻ.

Trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu hơn 3,3 tỷ USD của ngành rau quả trong năm 2022, chỉ riêng ba loại trái cây là chuối, thanh long và sầu riêng đóng góp gần 1,4 tỷ USD, trong đó, sầu riêng đã mang về hơn 400 triệu USD.

Như vậy, với kỳ vọng mặt hàng chủ lực mới sẽ đạt giá trị 1 tỷ USD, dự kiến, ba loại quả này sẽ đóng góp khoảng 2 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. 

Động lực chính cho mục tiêu xuất khẩu nhưng sầu riêng đang thiếu 'vé thông hành'

Tại Hợp tác xã (HTX) Vĩnh Khang (Tiền Giang), đại diện đơn vị này cho biết từ khi sầu riêng Việt Nam được mở cửa sang Trung Quốc, HTX vẫn chưa có đơn hàng nào được thông quan chính ngạch. Mùa vụ năm nay sẽ đến vào khoảng tháng 4, tháng 5, các thành viên trong HTX đang rất trông chờ kết quả xét duyệt của 12ha diện tích trồng sầu riêng đang được xem xét cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc .

"Dự kiến nếu được cấp phép, trong khoảng 2-3 tháng tới, khoảng 180-240 tấn sầu riêng của HTX sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thông qua việc liên kết với doanh nghiệp đóng gói", ông Lê Minh Trách, phụ trách kinh doanh HTX Vĩnh Khang cho hay. 

Mặt hàng sầu riêng trưng bày tại triển lãm HortEx Vietnam 2023, điểm hẹn lớn ở Đông Nam Á dành cho các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành rau, hoa, quả . (Ảnh: Như Huỳnh) 

Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng mã số vùng trồng và mã số cơ số đóng gói được cấp vẫn còn ít khiến việc xuất khẩu sầu riêng gặp khó khăn. Trong khi đó, hai tháng đầu năm nay, phía Trung Quốc đã có nhiều đoàn làm việc sang Việt Nam đề xuất các đơn hàng lớn về sầu riêng nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đáp ứng ngay do thiếu mã số vùng trồng.

Số liệu của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết tính đến nay, Việt Nam đã có 246 mã số vùng trồng sầu riêng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc. 

Theo Vinafruit, doanh nghiệp mất nhiều thời gian chờ xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói không chỉ với sầu riêng mà thanh long cũng cần khoảng 6-7 tháng để được phê duyệt. Vì vậy, đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam đã đề nghị các cơ quan quản lý quan tâm hơn nữa đến mặt hàng rau quả, để sản phẩm này nâng cao giá trị hơn nữa trong tương lai.   

Ngoài mã vùng trồng và mã số đóng gói, theo ông Nguyễn Đình Tùng còn vấn đề khác mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm khi nhận được đơn hàng của nhà nhập khẩu Trung Quốc đó là việc người tiêu dùng hiện nay không còn dễ tính.

Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành hàng này phải làm sao bảo vệ được chất lượng và thương hiệu. Xét về chất lượng, đó là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, độ tươi và độ ngon khi lên kệ hàng và tới tay người tiêu dùng ngoại phải được bảo đảm. 

“Còn về thương hiệu, điều quan trọng là cách thức truyền thông, cách thức bảo vệ thương hiệu cho rau quả Việt khi xuất khẩu vào thị trường các nước. Qua truyền thông, chúng ta hay nói nhiều về việc canh tác nhỏ lẻ, manh mún, không an toàn, không đảm bảo vệ sinh… Những thông tin tiêu cực như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng trên thế giới”, ông Tùng lưu ý. 

Như Huỳnh