|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sau phiên khởi sắc, chứng khoán Việt Nam có 4 doanh nghiệp vốn hóa trên 10 tỷ USD

23:43 | 09/09/2021
Chia sẻ
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tái gia nhập câu lạc bộ vốn hóa chục tỷ USD sau hai phiên tăng giá liên tiếp. Tuy vậy, giá HPG hiện vẫn chưa lấy lại được đỉnh cũ.
Sau phiên khởi sắc, chứng khoán Việt Nam có 4 doanh nghiệp vốn hóa trên 10 tỷ USD - Ảnh 1.

Ngoài sản xuất thép, Hòa Phát còn chiếm thị phần lớn về trứng gà tại khu vực miền Bắc. (Ảnh: Song Ngọc).

Kết phiên 9/9, VN-Index tăng 0,78% lên gần 1.344 điểm. Chỉ số vốn hóa lớn VN30 vượt trội khi tăng 0,95% lên 1.447 điểm với 21 cổ phiếu thành viên đóng cửa trong sắc xanh và chỉ 9 mã đỏ.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng 1,2% lên 51.900 đồng/cp. Phiên hôm qua 8/9, HPG cũng tăng 1,2%. Hiện nay, vốn hóa của Hòa Phát đạt 232.145 tỷ đồng, tương đương hơn 10 tỷ USD và đứng thứ 4 thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ba cái tên đang dẫn trước Hòa Phát với khoảng cách khá xa là Vietcombank (Mã: VCB), Vinhomes (Mã: VHM) và Vingroup (Mã: VIC).

Đứng ngay sau Hòa Phát là một đại diện của thị trường UPCoM - Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV). Phiên 9/9, ACV cùng nhiều cổ phiếu hàng không khác đồng loạt khởi sắc sau thông tin TP Hồ Chí Minh và Bình Dương bắt đầu nới lỏng giãn cách, cho phép một số cơ sở kinh tế được hoạt động trở lại.

Sau phiên khởi sắc, chứng khoán Việt Nam có 4 doanh nghiệp vốn hóa trên 10 tỷ USD - Ảnh 2.

ACV đóng cửa tăng 4,6%, VJC của Vietjet tăng 3,5%. Các cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines và AST của Taseco thậm chí còn dư mua giá trần với thanh khoản khớp lệnh cao đột biến.

Sau phiên tăng nóng, ACV đã vượt qua VNM của Vinamilk để giành vị trí thứ 5 về vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngoài hàng không, cổ phiếu bán lẻ cũng diễn biến khả quan khi các địa phương bắt đầu nới lỏng giãn cách. MWG của Thế Giới Di Động vọt lên 6,7%, PNJ thêm 5%, DGW của Thế Giới Số và FRT của FPT Retail tăng lần lượt 2,9% và 2,6%. 

MSN của Masan (chủ chuỗi siêu thị VinMart) cũng đi lên 2,3% và là cổ phiếu liên quan tới bán lẻ duy nhất có vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng.

Cùng ngành thép với Hòa Phát, cổ phiếu POM của Pomina thêm 1,8%, TVN của Thép Việt Nam nhảy vọt 7,2%, HSG của Hoa Sen tăng 3,3% lên đỉnh mới 44.900 đồng/cp.

Hôm nay không phải là lần đầu tiên Hòa Phát vào nhóm vốn hóa trên 10 tỷ USD (trên 230.000 tỷ đồng). Những ngày đầu tháng 6 vừa qua, ngay sau khi chốt quyền nhận cổ tức, giá cổ phiếu HPG có lúc vượt 56.000 đồng/cp, giá trị vốn hóa đạt trên 250.000 tỷ đồng. Tuy nhiên HPG sau đó đã điều chỉnh và hiện vẫn chưa quay lại được đỉnh cũ.

Trong ba tháng qua, giá HPG chỉ nhích lên hơn 3%. Tuy vậy nếu so với đầu năm, cổ phiếu đầu ngành thép này đã tăng 69%. Một số mã còn có mức tăng ấn tượng hơn HPG như VPB đi lên 95%, NVL nhảy vọt 115%.

Sau phiên khởi sắc, chứng khoán Việt Nam có 4 doanh nghiệp vốn hóa trên 10 tỷ USD - Ảnh 4.

15 doanh nghiệp có vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng.

Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có 14 doanh nghiệp với vốn hóa trên 5 tỷ USD (115.000 tỷ đồng) và 50 doanh nghiệp với giá trị trên 1 tỷ USD (23.000 tỷ đồng).

Đức Quyền - Song Ngọc