|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sau Citi, Ngân hàng Barclays nâng dự báo Brent trong năm 2022

15:21 | 08/06/2022
Chia sẻ
Theo Reuters, hôm thứ Hai (7/6), Ngân hàng Barclays dự báo giá dầu Brent tăng 11 USD/thùng trong năm 2022 và tăng thêm 23 USD trong năm 2023 do tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Nga sẽ còn kéo dài khi Châu Âu liên tục đưa các lệnh trừng phạt đối với quốc gia này.

Ngân hàng Anh cho rằng giá dầu Brent trung bình ở mức 111 USD/thùng và dầu WTI khoảng 108 USD/thùng trong năm 2022 và năm 2023

Barclays cho rằng sản lượng dầu thô của Nga dự kiến giảm khoảng 1,5 triệu thùng/ngày tính đến cuối năm nay, đồng thời họ không kỳ vọng tồn kho sẽ trở lại bình thường trong giai đoạn này.

Ngân hàng cho biết “Công suất hạn chế và Mỹ cũng hết dư địa để tăng trưởng nguồn cung. Điều này đồng nghĩa hàng tồn kho hiện đang ở mức thấp”.

Bên cạnh đó, tuần trước EU đã nhất trí cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Âu là điểm đến cho gần một nửa lượng dầu thô và sản phẩm dầu xuất khẩu của Nga trước khi căng thẳng địa chính trị nổ ra.

Mới đây, ngân hàng Citi cũng nâng dự báo trong năm 2022 và 2023. Theo đó, ngân hàng này đã nâng dự báo giá dầu Brent trong quý II năm nay thêm 14 USD lên 113 USD/thùng, và mức giá dự đoán cho quý III và quý IV cũng được tăng thêm 12 USD lên lần lượt 99 USD và 85 USD.

Sau khi bị Nhà Trắng gây sức ép suốt nhiều tháng, OPEC+ đã nhất trí đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 9 lên tháng 7 và tháng 8, với mức tăng hàng tháng sẽ vào khoảng 650.000 thùng/ngày.

Một số chuyên gia kỳ vọng việc OPEC+ đồng ý nâng sản lượng sẽ giúp hạ nhiệt giá dầu thô. Tuy nhiên, thực tế lại không như dự đoán trước đó. Giá dầu Brent giao tháng 8 được chốt ở mức 119,51 USD/thùng vào ngày 6/6 – cao hơn cả mức giá trước cuộc họp quan trọng của nhóm OPEC+ tuần trước.

Arab Saudi và các đồng minh trong OPEC+ khó có thể bù đắp lượng dầu thô mà thị trường thế giới mất đi vì Nga. Giá dầu có thể sẽ giảm khi nhu cầu đổ vỡ hoặc thế giới rơi vào suy thoái. 

Khối lượng dầu mà OPEC+ cung cấp thêm trong thực tế có thể thấp hơn con số trong kế hoạch. Trong số 650.000 thùng dầu tăng thêm mỗi tháng, 432.000 thùng đã được lên kế hoạch từ trước, tức là đã được thị trường phản ánh vào giá từ lâu.

Còn về phía Nga, theo CNBC , Moscow có thể đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với dầu Nga bằng cách tìm kiếm khách hàng khác hoặc cắt giảm sản lượng để giữ giá cao. Điều này có thể tác động kinh tế toàn cầu - trừ khi OPEC can thiệp.

Helima Croft, người đứng đầu bộ phận chiến lược mảng hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết: “Phản ứng của Nga rõ ràng sẽ được theo dõi chặt chẽ”.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Arab Saudi, và là nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai sau Arab Saudi.

“Những gì đang diễn ra hiện nay sẽ thay đổi dòng chảy thương mại dầu-khí tự nhiên trong tương lai. Hossein Askari, giáo sư tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học George Washington nhận định.

H.Mĩ