|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sau 20 năm, Masan có gì?

14:00 | 30/10/2016
Chia sẻ
Doanh thu, lợi nhuận thuộc hàng “khủng”, nhưng Masan cũng nổi tiếng là một doanh nghiệp nhiều scandal, đặc biệt là những scandal liên quan đến quảng cáo...xa rời thực tế.
sau 20 nam masan co gi
Ảnh minh họa

Đi lên từ mì gói

Cách đây đúng 20 năm, công ty tiền thân của Masan Group được thành lập, hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và hàng tiêu dùng châu Á cho thị trường Đông Âu. Trong những ngày đầu, Masan chủ yếu tập trung vào thị trường Nga với sản phẩm phổ biến là mì ăn liền.

Khi sản phẩm bắt đầu được chấp nhận, đơn hàng liên tục đổ về, Masan quyết định đầu tư nhà máy sản xuất cho riêng mình với công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng.

Kinh nghiệm thành công sản phẩm mì ăn liền khiến Masan tấn công vào thị trường Nga với các sản phẩm nước tương, nước mắm và tương ớt mang thương hiệu Mivimex. Lúc cao điểm, doanh số xuất khẩu của Masan sang thị trường Nga đạt trên 100 triệu USD/năm.

Thành công ở Đông Âu, đến năm 2000, Masan bắt đầu chuyển sự tập trung nhiều hơn vào thị trường trong nước. Năm 2002, công ty bắt đầu giới thiệu ra thị trường sản phẩm nước tương cao cấp Chin-su. Sau sự thành công của Chin-su, công ty tiếp tục tung ra các nhãn hàng thành công khác như Nam Ngư và Tam Thái Tử.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2007, Masan tiếp tục lấn sân sang thị trường mỳ gói với thương hiệu Omachi, Tiến Vua.

Trong thời gian chưa đầy mười năm, các sản phẩm của Masan đã trở nên quen thuộc đối với người tiêu dùng Việt, là một trong số ít các thương hiệu Việt cạnh tranh tốt với các tên tuổi lớn trên thế giới như Unilever.

Theo báo cáo của Kantar World Pannel, về thị phần, ngoài mì gói đứng vị trí thứ 2, các sản phẩm khác như nước mắm, nước tương và tương ớt của Masan Consumer đều chiếm vị trí số 1 tại Việt Nam.

Các nhà máy sản xuất của Masan Consumer có mặt tại các địa bàn khác nhau như Bình Dương, Tân Bình, Phú Quốc, Hải Dương, Biên Hòa, Long Thành, Bình Thuận, Nghệ An và Quảng Ninh. Năm 2015, Masan tiếp tục khánh thành nhà máy mới tại tỉnh Nghệ An, gia tăng năng lực sản xuất lên gần 120 triệu lít nước mắm và 600 triệu gói mì ăn liền mỗi năm.

Năm 2008, công ty đã được cơ cấu lại và chính thức đặt tên là CTCP Tập đoàn Masan, hoạt động kinh doanh thực phẩm tăng trưởng nhanh và giữ 20% cổ phần tại ngân hàng Techcombank. Masan Group được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11 năm 2009 với mã chứng khoán “MSN”.

Năm 2010, Masan mua lại cổ phần kiểm soát của mỏ Núi Pháo, một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới và thành lập công ty Masan Resources. Masan Group cũng tăng lợi ích kinh tế thực tại Techcombank trong năm này.

Năm 2011, Masan gia nhập thị trường đồ uống bằng cách mua lại quyền kiểm soát Vinacafe Biên Hòa, nhà sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất Việt Nam với các nhãn hàng Vinacafe và Wake-Up.

Tháng 9/2014, Masan giới thiệu thêm sản phẩm mới trên thị trường đồ uống, bia Sư Tử Trắng.

Tháng 12/2015, Masan đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất bia tại tỉnh Hậu Giang, nằm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhà máy mới này giúp gia tăng công suất thêm 100 triệu lít (có thể đạt 150 triệu lít) để nâng tổng công suất hàng năm của Masan Brewery lên 150 triệu lít.

Điều này sẽ giúp Masan củng cố sự hiện diện tại đồng bằng sông Cửu Long cũng như mở rộng ra các khu vực lân cận, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ.

Trong nửa đầu năm 2015, Masan Group thành lập Masan NutriScience, hiện là công ty dinh dưỡng đạm động vật trong nước lớn nhất Việt Nam với các thương hiệu Proconco và ANCO.

Như vậy, trong vòng 20 năm, Masan từ một doanh nghiệp thực phẩm nhỏ đã trở thành một tập đoàn đa ngành, hoạt động trong nhiều lĩnh vực then chốt, từ thực phẩm, khai thác khoảng sản đến tài chính.

Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng cấp số nhân

Vốn hóa nằm trong top 10 trên thị trường chứng khoán, thường xuyên nằm trong danh sách những doanh nghiệp lợi nhuận ngàn tỷ, thậm chí, năm 2016, Masan còn đặt mục tiêu doanh thu 2 tỷ USD.

sau 20 nam masan co gi

Cùng với việc liên tục mở rộng ngành nghề kinh doanh, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng tăng chóng mặt. Nếu như năm 2006, tổng tài sản của doanh nghiệp vẫn ở mức khiêm tốn, đạt 313 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 138 tỷ đồng thì đến cuối năm 2015, con số này đã đạt lần lượt 71.850 tỷ đồng và 27.109 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu, lợi nhuận của Masan cũng tăng nhanh chóng theo cấp số nhân. Nếu như năm 2006, doanh thu của tập đoàn chỉ ở mức khiêm tốn hơn 570 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 29 tỷ đồng thì kết thúc năm 2015, con số doanh thu đã lên tới hơn 30.628 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 2.527 tỷ đồng, tăng lần lượt gấp gần 54 lần doanh thu và 87 lần lợi nhuận trong vòng 10 năm.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, Masan ghi nhận doanh thu thuần 30.148 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.534 tỷ đồng, tương đương với con số đạt được trong cả năm 2015.

sau 20 nam masan co gi

Dính nhiều scandal quảng cáo

Doanh thu, lợi nhuận thuộc hàng “khủng” mà Masan có được một phần là nhờ doanh nghiệp rất mạnh tay chi tiền cho quảng cáo. Chỉ tính Masan Consumer, công ty con của Masan, đơn vị sở hữu một loạt các thương hiệu nổi tiếng như nước mắm Nam Ngư, Chin Su, mì Omachi, mì Tiến Vua,…, số tiền chi cho quảng cáo mỗi năm đã tương đương với doanh thu của một doanh nghiệp dạng lớn.

Cụ thể, nếu như trong năm 2014, Masan Consumer chi 1.282 tỷ đồng, tương đương 10% tổng doanh thu thì đến năm 2015, chi phí quảng cáo đã lên tới 1.500 tỷ đồng, tương đương 11% doanh thu. Trong 6 tháng đầu năm 2016, con số này tiếp tục gia tăng 26% so với cùng kỳ lên 737 tỷ đồng, tương đương 13% doanh thu.

Chuyện quảng cáo vốn là quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi những gì được quảng cáo đi quá xa với sản phẩm thực tế thì lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Còn nhớ trong năm 2013, báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực, mổ xẻ tính trung thực trong các quảng cáo của Masan. Thậm chí, còn có rất nhiều bài báo dùng từ “lừa đảo” để nói về nước mắm “hảo hạng”, “mì vì sức khoẻ” của Masan.

Cụ thể, đánh vào tâm lý sợ bột ngọt của người Việt, Masan đã tung ra quảng cáo Chinsu “hạt nêm không bột ngọt”. Tuy nhiên, sau khi mẫu hạt nêm không bột ngọt này của Masan được đưa đi kiểm nghiệm tại Trung Tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM, dư luận mới ngã ngửa khi biết Chinsu không chứa bột ngọt mà chứa bột… siêu ngọt.

Còn mỳ Tiến Vua - “Mỳ vì sức khỏe” của Masan được quảng cáo là “không sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, không chứa Transfat (loại chất béo gây chứng đột quỵ, đau tim và bệnh mạch vành) xuất hiện ra rả trên truyền hình khiến không ít người tiêu dùng đặt trọn niềm tin cho sản phẩm này. Thế nhưng qua kiểm nghiệm, Mỳ Tiến Vua được xác định là có Transfat.

Mới đây nhất, trong khi người tiêu dùng đang hoang mang về thông tin thất thiện cho rằng nhiều loại nước mắm "có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng" quy định do một hiệp hội công bố và chưa được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận, thì đã có 2 thương hiệu nước mắm nhanh chóng tung ra thị trường đoạn quảng cáo với tuyên bố "đạt chuẩn an toàn thạch tín". Đó chính là quảng cáo của 2 thương hiệu nước mắm Chin-Su hương cá hồi và nước mắm Nam Ngư... do Masan sản xuất.

Trước sự phản ứng cực kỳ “nhanh nhạy” này của Masan, nhiều người tỏ ra khá bất ngờ. Và trong khi người tiêu dùng “ngã ngửa” khi Bộ Y tế công bố 100% mẫu nước mắm an toàn, thì hình ảnh của Masan cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi bị dư luận cho rằng doanh nghiệp có hành vi trục lợi từ khủng hoảng và nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi về một kế hoạch marketing nào đó…

Và từ "truyền thông bất lương" cũng xuất hiện trên các mặt báo và được báo giới xem là một bài học sâu sắc.

Không chỉ gặp rắc rối với các quảng cáo, năm nay dường như không phải là một năm suôn sẻ với Masan khi mới đây Bộ Tài nguyên và môi trường vừa công bố quyết định và kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, khoáng sản, đất đai và tài nguyên nước đối với Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo tại dự án Mỏ Núi Pháo, công ty con của Masan.

Trước đó, những người dân sống quanh dự án đã có khiếu nại, tụ tập đông người phản đối về tình trạng ô nhiễm môi trường đối với dự án khoáng sản Núi Pháo. Tỉnh Thái Nguyên cũng nhiều lần có kiến nghị lên Bộ Tài nguyên để xử lý một số vấn đề liên quan tới dự án này.

Trần Thúy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.