|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sau 10 năm, công tử Trung Quốc phá sạch sản nghiệp 2 tỷ USD

15:45 | 15/06/2019
Chia sẻ
Cuộc đời của Lý Triệu Hội giống như một trò chơi mạo hiểm, thăng trầm khó lường. Từ tỷ phú giàu nức tiếng đến thân phận tội phạm, tất cả bắt nguồn từ vụ tai nạn cách đây 15 năm.

Ngày 6/11/2018, Tòa án Nhân dân trung cấp thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) công bố danh sách 200 phạm nhân bị thi hành án vì tội "thất tín". Lý Triệu Hội - người từng được mệnh danh là công tử giàu nhất tỉnh Sơn Tây - có tên trong danh sách này và bị phạt hơn 50 triệu nhân dân tệ (hơn 7,2 triệu USD).

Lý Triệu Hội là con trai của doanh nhân Lý Hải Thương, người sáng lập tập đoàn sắt thép Haixin. Khi còn trẻ, Lý Triệu Hội từng là một doanh nhân thành đạt. Thừa hưởng gia sản của cha, năm 2013 Lý Triệu Hội được tạp chí Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất Trung Quốc.

Nhưng đến năm 2018, đế chế sắt thép của Lý Triệu Hội sụp đổ, chàng công tử nhà giàu ngày nào trở thành con nợ, bị cấm xuất cảnh khỏi Trung Quốc.

Cha bị bắn chết, 22 tuổi đã tiếp quản doanh nghiệp lớn

Lý Hải Thương - cha của Lý Triệu Hội - là một huyền thoại trong giới doanh nhân. Ông bắt đầu sự nghiệp từ năm 20 tuổi và trở thành giám đốc nhà máy ở tuổi 22. Năm 1987, Lý Hải Thương, khi đó 42 tuổi, huy động 400.000 nhân dân tệ (khoảng 57.000 USD) và xây dựng một nhà máy luyện than cốc ở quận Ôn Tây.

Sau 10 năm, công tử Trung Quốc phá sạch sản nghiệp 2 tỷ USD - Ảnh 1.

Doanh nhân Lý Hải Thương. Ảnh: Baidu.

Kể từ đó, sự nghiệp của ông phát triển vượt bậc với tốc độ mỗi năm lại mở một nhà máy mới, dần dần thành lập các công ty như Haixin Iron and Steel Co., Ltd., Haixin Investment Co., Ltd. và Haixin Steel Rolling Co., Ltd.

Năm 1992, Shanxi Haixin Iron and Steel Group Co., Ltd. với tổng tài sản 3 tỷ nhân dân tệ được thành lập. Đến năm 2002, tổng tài sản của Haixin đạt 4 tỷ NDT (khoảng 577 triệu USD), trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tỉnh Sơn Tây.

Ở cấp độ địa phương, Haixin là trụ cột kinh tế lớn nhất, cung cấp cơ hội việc làm cho gần 10.000 người và tạo ra hơn một nửa doanh thu cho địa phương. Thời điểm đó, người ta nói rằng "Haixin hắt hơi, toàn bộ cảm lạnh." Lý Hải Thương còn được gọi là "vua sắt thép Sơn Tây".

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào năm 2003.

Vào sáng 22/1/2003, tại văn phòng tập đoàn, Lý Hải Thương, 47 tuổi, bị bắn chết bởi người bạn thời thơ ấu Phùng Dẫn Lượng. Lý do là vì Phùng Dẫn Lượng liên tục đề nghị bán đất của công ty mình cho Haixin nhưng bị từ chối.

Lý Hải Thương gặp nạn, nội bộ của Haixin lập tức rối loạn, công ty ngừng sản xuất, nhân viên đòi trả lương, bên ngoài thì ngân hàng đến siết nợ. Có thể nói là trong ngoài đều có địch. Người đứng ra lĩnh trọng trách thay thế Lý Hải Thương chính là Lý Triệu Hội, con trai ông.

Tỷ phú trẻ nhất tỉnh Sơn Tây

Lý Triệu Hội, khi đó 22 tuổi và đang học ngành quản lý kinh doanh tại Australia. Anh ta không biết gì về ngành thép và càng không có kinh nghiệm trong quản lý doanh nghiệp. Lúc trở về nước và đến công ty của cha, mọi người nhìn anh ta với ánh mắt đầy nghi hoặc.

Lúc chính thức tiếp quản công ty, Lý Triệu Hội phát biểu: "Công ty do cha tôi một tay gây dựng, tôi không thể để nó lụn bại trong tay mình". Trong vài năm đầu tiên lãnh đạo Haixin, thực tế là Lý Triệu Hội đã đưa ra những chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Sau 10 năm, công tử Trung Quốc phá sạch sản nghiệp 2 tỷ USD - Ảnh 2.

Lý Triệu Hội đã từng gặt hái được thành công đáng kể trong những năm đầu tiếp quản tập đoàn. Ảnh: Baidu.

Theo một giám đốc của Haixin, để làm quen với công việc kinh doanh của công ty càng sớm càng tốt, Lý Triệu Hội đã ngày đêm học hỏi kiến thức ngành thép, nhanh chóng hiểu được quy trình quản lý nội bộ của công ty và thích nghi với vai trò chủ tịch.

Năm đầu tiên Lý Triệu Hội tiếp quản tập đoàn cũng là năm doanh nghiệp này tăng trưởng nhanh nhất và tốt nhất trong lịch sử. Tổng tài sản của Haixin Iron & Steel đạt hơn 5 tỷ NDT (khoảng 722 triệu USD), vượt mức kỷ lục cao nhất là 4 tỷ NDT khi cha anh còn sống.

Năm 2004, Lý Triệu Hội đã có tên trong danh sách “doanh nhân giàu nhất Trung Quốc” của Forbes với tài sản ròng trị giá 3 tỷ NDT (khoảng 433 triệu USD), đứng thứ 19, cao hơn thứ hạng 27 của Lý Hải Thương khi ông còn sống.

Nhưng sở thích đầu tư của Lý Triệu Hội lớn hơn nhiều so với đam mê ngành thép. Chính điều đó đã đẩy công ty thép hàng đầu Sơn Tây vào cảnh lụn bại sau này.

Thất bại đau đớn nhất cuộc đời

Từ năm 2004, Lý Triệu Hội đã bắt đầu tham gia vào thị trường đầu tư chứng khoán. Sau nhiều lần đầu tư thành công, Lý Triệu Hội trở thành tỷ phú trẻ nhất ở Sơn Tây với tài sản ròng trị giá 15 tỷ NDT (khoảng 2,1 tỷ USD).

Nhưng thành công không kéo dài bao lâu, Lý Triệu Hội trượt chân từ đỉnh cao và trải qua giai đoạn thất bại đau đớn nhất cuộc đời. Đắm chìm vào các hoạt động đầu tư, Lý Triệu Hội từ chức tổng giám đốc Haixin Iron and Steel và Haixin Industrial, chỉ còn giữ chức chủ tịch.

Anh ta tập trung vào chơi cổ phiếu toàn thời gian. Lãnh đạo cấp dưới của Haixin bị con cháu của gia tộc họ Lý thao túng, thất bại bắt đầu từ đó.

Sau 10 năm, công tử Trung Quốc phá sạch sản nghiệp 2 tỷ USD - Ảnh 3.

Hình ảnh nhà máy của tập đoàn Haixin khi còn hoạt động. Ảnh: Baidu.

Kể từ năm 2009, ngành thép Trung Quốc bắt đầu xuống dốc do nguồn cung thừa mứa, vượt xa cầu. Thời kỳ rực rỡ của các doanh nghiệp tư nhân thép dần lụi tàn. Trong những năm khủng hoảng, Haixin không có người đứng đầu, nội bộ lục đục và cũng không có bất kỳ sự bảo trợ nào.

Năm 2013, Haixin ôm khối nợ lên đến hơn 25 tỷ nhân dân tệ trong khi tài sản chỉ còn lại vỏn vẹn 7 tỷ nhân dân tệ. Ngày 24/6/2014, Haixin tuyên bố phá sản và tái cơ cấu. Từ khi tiếp quản vào năm 2003 đến khi phá sản, cuộc đời Lý Triệu Hội đi từ đỉnh cao xuống đáy vực sâu. Cơ đồ trị giá hơn 2 tỷ USD sụp đổ hoàn toàn.

Sự sụp đổ của Haixin một phần xuất phát từ nguyên nhân khách quan là sự khủng hoảng của ngành thép Trung Quốc. Nhưng nguyên nhân chủ quan là hoạt động đầu tư lung tung, thiếu hiệu quả của Lý Triệu Hội như nhiều chuyên gia khẳng định.

Quan trọng hơn cả là trong nhiều năm, Lý Triệu Hội, không thèm quản lý doanh nghiệp của mình. Tập đoàn công nghiệp nặng Bắc Kinh Jianlong tiếp quản Haixin từ tháng 9/2015.

Kết hôn với hai nữ diễn viên

Truyền thông Trung Quốc còn khẳng định thói quen tiêu xài hoang phí cũng là một lý do dẫn đến thất bại của Lý Triệu Hội. Ở Sơn Tây, doanh nhân này nổi tiếng mê gái đẹp, sẵn sàng làm tất cả để cung phụng các bóng hồng.

Lý Triệu Hội nổi tiếng trong giới doanh nhân, nhưng phải đến khi kết hôn với nữ diễn viên Xa Hiểu, anh ta mới được cả nước Trung Quốc biết đến. Trong đám cưới năm 2010, Lý Triệu Hội thuê 200 chiếc xe xịn để rước mỹ nữ về dinh.

Đắt nhất là chiếc Rolls Royce trị giá 8 triệu NDT (hơn 1,1 triệu USD). Tiệc cưới có tới 600 bàn tiệc. Vào ngày cưới, công ty tổ chức đám cưới thuê từ Bắc Kinh đã trang trí hội trường cực kỳ hoành tráng, rực rỡ.

Sau 10 năm, công tử Trung Quốc phá sạch sản nghiệp 2 tỷ USD - Ảnh 4.

Đám cưới xa hoa của Lý Triệu Hội và nữ diễn viên Xa Hiểu. Ảnh: Baidu.

Để đám cưới thêm phần náo nhiệt, Lý Triệu Hội đã lì xì cho hơn 10.000 nhân viên của mình mỗi người 500 nhân dân tệ. Chỉ riêng khoản này cũng đã tốn 5 triệu nhân dân tệ (hơn 722.000 USD).

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đình đám này chỉ kéo dài hơn một năm. Có tin đồn rằng Lý Triệu Hội đã chi 300 triệu nhân dân tệ (hơn 43 triệu USD) cho Xa Hiểu để ly hôn trong yên bình.

Sau 5 năm ly hôn với Xa Hiểu, Lý Triệu Hội một lần nữa kết hôn với nữ diễn viên Trình Noãn Noãn. Để lấy lòng người đẹp, anh ta cũng đã chi hàng chục triệu nhân dân tệ để mua vai chính cho cô trong một số bộ phim.

Tuy nhiên, đến năm 2018, Lý Triệu Hội đã đánh mất vị thế đại gia. Theo tạp chí Tài Kinh, cá nhân Lý Triệu Hội phải trả nợ 216 triệu nhân dân tệ (32,6 triệu USD), một phần trong tổng nợ của Haixin.

Nhưng tài sản chẳng còn lại bao nhiêu, đương nhiên Lý Triệu Hội không đủ tiền để trả nợ. Không chỉ bị tòa án phạt, Lý Triệu Hội còn bị cấm xuất cảnh. Từ tỷ phú, Lý Triệu Hội giờ trở thành con nợ.


Minh Tú