Sau 10 năm, ‘bi kịch’ Lehman Brothers có lặp lại?
Ngày 'ra đi' của Lehman Brothers qua lời kể của những cựu nhân viên | |
Lehman Brothers phá sản: Những bài học 'xương máu' bị ngó lơ |
Ai cũng biết điều gì đã xảy ra sau đó. Trong vòng 18 tháng, “vấn đề trong nước” trên thị trường nhà đất đầy nợ nần của Mỹ đã phình to thành cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lớn nhất kể từ thập niên 30 thế kỷ trước. Khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers nộp đơn phá sản cách nay 10 năm, đó là chất xúc tác trong một tháng đầy sóng gió mà không thể chế tài chính nào còn được xem là an toàn.
Dịp kỷ niệm 10 năm sau những tuần lễ “bão táp” cuối tháng 9 – đầu tháng 10 của năm 2008 khiến nhiều người tự đặt câu hỏi liệu thảm kịch trên có lặp lại hay không. Và nếu có thì đâu là nguyên nhân?
Nhìn vào nền kinh tế toàn cầu hiện nay, có nhiều “Lehman Brothers” đầy tiềm năng để kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.
Bong bóng nhà đất Mỹ làm bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất từ sau thập niên 30 thế kỷ 20. Nguồn: Reed Saxon/AP. |
Nợ
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt nguồn từ khối nợ lớn quá mức, trong khi lãi suất thấp cho phép các hộ gia đình vay tiền để chi tiêu còn các thể chế tài chính vay tiền để đầu cơ. Nhu cầu vay mượn suy yếu trong cuộc đại suy thoái theo sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, thế nhưng việc không thể xử lý dứt điểm nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng đồng nghĩa mức nợ vẫn tăng cao và hiện đang ở mức cao kỷ lục so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Hệ thống tài chính
Đã có nhiều nỗ lực giúp các ngân hàng đa quốc gia lớn trở nên an toàn hơn từ khi chúng phơi bày các điểm yếu trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Các ngân hàng giờ đây phải giữ nhiều vốn hơn với vai trò là những tấm đệm giảm xóc trong trường hợp thiệt hại nặng trên các khoản đầu tư như hồi năm 2008.
Tuy nhiên, ba vấn đề lớn vẫn còn tồn tại: các ngân hàng đã đẩy lùi phần lớn áp lực tái cơ cấu tổ chức vốn theo sau sự sụp đổ của Phố Wall vào năm 1929; hệ thống ngân hàng trở nên tập trung hơn; và rủi ro đã dịch chuyển từ các ngân hàng được quản lý chặt chẽ hơn sang phần còn lại của hệ thống tài chính, trong đó có các quỹ phòng hộ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Oli Scarff/Getty Images. |
Các thị trường mới nổi
Thập niên 90 thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21đã chứng kiến những đợt khủng hoàng tài chính toàn cầu xuất phát từ các quốc gia như Mexico, Nga, Hàn Quốc và Argentina. Giờ đây, các dấu hiệu bất ổn lại xuất hiện.
Lãi suất thấp và quá trình nới lỏng định lượng đồng nghĩa nguồn vốn bắt đầu chảy vào các thị trường mới nổi để có lợi suất cao hơn so với các nước phương Tây. Chi phí vay đang trở nên đắt đỏ hơn khi lãi suất toàn cầu bắt đầu tăng. Cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina trong năm nay chưa phải là những cuộc khủng hoảng cuối cùng.
Italy
Các ngân hàng trong khu vực eurozone tạo ra ít chuyển biến hơn so với các đối thủ Mỹ trong việc tăng vốn chủ sở hữu và do đó dễ bị tổn thương hơn trong trường hợp tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực nào đó, chưa kể đến một cuộc suy thoái toàn diện.
Các ngân hàng Italy đặc biệt dễ tổn thương trong bối cảnh đó. Ông Jens Hagendorff – giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Edinburgh, cho rằng tồn tại một mối quan hệ ràng buộc giữa các ngân hàng và chính phủ Italy vì các ngân hàng này là người mua chính trái phiếu chính phủ và các tổn thất với trái phiếu, dù nhỏ, cũng có thể khiến các ngân hàng vỡ nợ. “Điều diễn ra sau đó có thể đi vào lịch sử tương tự như vụ phá sản của Lehman Brothers”, giáo sư Hagendorff cho biết.
Chiến tranh thương mại
Hiện tại, nền kinh tế thế giới có vẻ như vượt qua được tác động của chủ nghĩa bảo hộ mà Tổng thống Donald Trump theo đuổi. Tuy nhiên, chỗ rạn nứt có khả năng xuất hiện vào cuối năm 2019 – đầu năm 2020 khi lãi suất tăng tại Mỹ bắt đầu phát huy tác động và hiệu ứng của chính sách giảm thuế mờ nhạt dần.
Ảnh minh họa. Nguồn: Mark Wilson/Getty; Naohiko Hatta/Getty; Shayanne Gal/Business Insider. |
Trung Quốc
Phản ứng nhanh và dứt khoát của Bắc Kinh đã giúp nền kinh tế thế giới vượt qua thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc đại suy thoái 2008 – 2009. Tuy nhiên, nó được tạo ra thông qua kích thích tín dụng và gói chi tiêu công vượt xa quy mô của các biện pháp tương tự tại phương Tây.
Phần lớn hoạt động cho vay được thực hiện bên ngoài hệ thống ngân hàng Trung Quốc, thông qua các ngân hàng núp bóng. Tăng trưởng của nước này vẫn cao và có nhiều dấu hiệu cho thấy nó đang ngày càng cân bằng hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng chính là mô hình thu nhỏ của thế giới 10 năm sau sự sụp đổ của Lehman Brothers: giải quyết được vấn đề này nhưng lại làm nảy sinh vấn đề khác – nợ nần chồng chất, hệ thống ngân hàng lung lay và nền kinh tế dễ tổn thương trong vòng xoáy chiến tranh thương mại.