10 năm sau ngày Lehman Brothers phá sản: Nhìn lại hai bài học đắt giá cho nhà đầu tư
Lehman Brothers - Nhìn lại chặng đường 8 năm sau vụ phá sản lịch sử |
Những nhà đầu tư từng trải chắc hẳn vẫn còn nhớ tác động khổng lồ của vụ phá sản này. Nó khiến cho giá trị tài sản ròng của nhiều quỹ thị trường tiền tệ bay hơi về còn chưa đầy 1 USD/cp – điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.
Nhiều ngành công nghiệp gần như đình trệ hoàn toàn do thanh khoản biến mất chỉ sau một đêm.
Thị trường chứng khoán Mỹ lập tức rớt xuống vực sâu. Chỉ số chứng khoán Dow Jones mất 25% trong 30 ngày sau vụ phá sản. Để tiện so sánh, nếu hiện giờ chỉ số Dow Jones giảm 25%, chỉ số này sẽ mất 6.500 điểm và chỉ còn khoảng 19.500 điểm.
Bài học đầu tiên mà nhà đầu tư có thể rút ra trong lễ kỷ niệm lần này là: Một đợt sụt giảm với quy mô tương tự có thể xảy ra bất kỳ lúc nào! Đây là bài học quan trọng vì một đợt sụt giảm nhanh, mạnh trong thời gian ngắn là rủi ro không thể tránh khỏi, một đặc điểm cố hữu của thị trường chứng khoán.
Nếu nhà đầu tư nào không sẵn sàng chấp nhận rủi ro này thì tốt nhất là nên giảm tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu xuống mức phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình hơn.
Bài học thứ hai có thể rút ra là nhà đầu tư gần như không thể lường trước khi nào khủng hoảng thị trường chứng khoán sẽ xảy ra. Ngay cả những nhà đầu tư xuất sắc nhất, từng liên tục đánh bại thị trường cũng không thể lường trước được.
Cụ thể, theo một thống kê của HulbertRatings.com những nhà đầu tư có thành tích tốt nhất, đánh bại thị trường trước ngày 31/8/2008 cũng mắc sai lầm tai hại là giữ danh mục cổ phiếu quá lớn. Ngược lại, những nhà đầu tư có thành tích lịch sử kém hơn lại có tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục khá thấp. Và xin nhắc lại đây là lúc thị trường chứng khoán chuẩn bị sụp đổ tan tành.
Điều này đúng khi xét thành tích đầu tư trong các khung thời gian khác nhau như 5 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm.
Tỷ trọng cổ phiếu của những nhà đầu tư đánh bại thị trường (cột màu xanh) và kém hơn thị trường (cột màu đỏ) tại ngày 31/8/2008. |
Nói cách khác, một nhà đầu tư với thành tích đầu tư xuất sắc trước tháng 9/2008 vẫn có thể mất cả đống tiền – thậm chí là mất nhiều hơn những nhà đầu tư với thành tích tầm thường trong quá khứ.
Hai bài học này đặc biệt quan trọng vào thời điểm này khi mà nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ đã bước vào nửa sau của thị trường giá lên và các chỉ số chứng khoán S&P 500 cũng như Nasdaq đang ở mức cao chưa từng thấy trong lịch sử.
Những lúc như thế này, nhà đầu tư thường tỏ ra tham lam hơn là sợ hãi và đánh mất đi sự cẩn trọng cần có trên thị trường.