Sáp nhập bất thành, Ricons vẫn tăng trưởng bất chấp COVID-19, Coteccons trải qua quí thứ 9 liên tiếp ghi nhận dòng tiền âm
Coteccons: Lợi nhuận quí I thấp nhất 5 năm; quí thứ 9 liên tiếp ghi nhận dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm
CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) công bố BCTC quí I/2020 với doanh thu thuần đạt 3.554 tỉ đồng, giảm 16,4% so với cùng kì năm 2019. Lợi nhuận gộp giảm 29% xuống còn 194,4 tỉ đồng; biên lãi gộp giảm từ 6,4% xuống còn 5,5%.
Theo giải trình của Coteccons, doanh thu sụt giảm trong quí vừa qua là do những khó khăn chung của ngành xây dựng với sự cạnh tranh gay gắt khi nguồn việc ngày càng ít.
Mặt khác, nhiều dự án bất động sản đã kí nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chậm do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của công ty.
Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của Coteccons cũng giảm 14,3% chủ yếu do lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng đã giảm so với cùng kì năm trước.
Trong quí I, dù chi phí quản lí doanh nghiệp đã giảm từ 127,3 tỉ đồng xuống 109,5 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế của "ông trùm" ngành xây dựng Việt Nam vẫn sụt giảm 34,6% xuống 123,4 tỉ đồng trong quí I/2020, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Với kết quả kinh doanh liên tục đi xuống, Coteccons cũng đang gặp phải những khó khăn trong quản trị dòng tiền. Cụ thể, quí I/2020 là quí thứ 9 liên tiếp Coteccons ghi nhận dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh với giá trị âm 427 tỉ đồng, cao gấp hơn 4 lần cùng kì năm trước.
Trong khi đó, dòng tiền vào chủ yếu thu được từ hoạt động đầu tư với việc thu hồi nợ vay từ các đơn vị, tuy nhiên giá trị cũng thấp hơn nhiều. Dòng tiền từ hoạt động tài chính chiếm giá trị không đáng kể.
Trên bảng cân đối kế toán, Coteccons ghi nhận 448 tỉ đồng tiền mặt và 3.311 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng, tổng giá trị giảm 284 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Dòng tiền của công ty phần lớn bị kẹt tại khoản phải thu ngắn hạn với giá trị gần 8.000 tỉ đồng, tương đương hơn 50% tổng tài sản.
Điểm tích cực được ghi nhận trong cơ cấu nguồn vốn khi nợ phải trả giảm từ 7.729 tỉ đồng xuống 6.276 tỉ đồng, tương đương tỉ trọng giảm từ 47,7% xuống 42,2%. Mặc khác, Coteccons không sử dụng nợ vay, do đó tránh được gánh nặng về chi phí tài chính, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện tại.
Ricons vẫn tiếp tục tăng trưởng, biên lãi gộp bỏ xa Coteccons
Trái với bức tranh kém sắc trong hoạt động kinh doanh của Coteccons, một công ty liên quan là CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons vẫn ghi nhận sự tăng trưởng bất chấp những khó khăn chung của ngành.
Cụ thể, doanh thu thuần quí I/2020 của Ricons đạt 1.092 tỉ đồng, tăng 21,2% so với cùng kì năm trước. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ các hợp đồng xây dựng với doanh thu tăng từ 739,4 tỉ đồng lên 946 tỉ đồng, trong khi doanh thu bán vật liệu xây dựng giảm hơn 17% xuống 129,6 tỉ đồng.
Sự tương phản giữa hai doanh nghiệp cũng được thể hiện rõ nét bởi biên lãi gộp, khi Ricons liên tục tăng trưởng và hiện đã bỏ xa Coteccons.
Trong những năm trước, biên lợi nhuận của Coteccons luôn duy trì từ 7% đến trên 8% thì trong 3 năm gần đây đã liên chứng kiến sự sụt giảm. Trong khi đó, biên lãi gộp của Ricons trong quí I vừa qua đã tăng lên mức kỉ lục 6,8%; cao hơn đáng kể so với mức 5,5% của Coteccons.
Về hoạt động tài chính, doanh thu từ lãi tiền gửi của Ricons giảm 12,1% xuống 9,4 tỉ đồng với nguyên nhân tương tự Coteccons, do lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng đã giảm so với cùng kì năm trước.
Ricons cũng ghi nhận lỗ 5,8 tỉ đồng từ công ty liên kết tỉ đồng do đánh giá lại chênh lệch giá trị khoản đầu tư vào CTCP Quản lý & Phát triển Gia Khánh. Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận lãi sau thuế quí I đạt 32,8 tỉ đồng, tăng gần 3% so với cùng kì.
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Ricons ở mức 5.242 tỉ đồng, giảm 538 tỉ đồng so với đầu năm. Tương tự Coteccons, các khoản phải thu ngắn hạn của của Ricons chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tài sản và cũng là nguyên nhân khiến qui mô tài sản giảm xuống.
Trong quí I, khoản phải thu ngắn hạn của Ricons giảm từ 3.882 tỉ đồng xuống 3.242 tỉ đồng. Dù vậy, ở các khoản nợ, cũng như Coteccons, Ricons cũng không sử dụng nợ vay trả lãi, thay vào đó tập trung vào phải trả người bán 1.348 tỉ đồng và chi phí phải trả tại các công trình xây dựng 1.159 tỉ đồng.