|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì sao kết quả kinh doanh Coteccons lao dốc?

20:33 | 21/10/2019
Chia sẻ
Bên cạnh việc lý giải nguyên nhân hoạt động kinh doanh suy giảm trong quí III. Báo cáo của Coteccons cũng cho thấy bức tranh u ám của ngành xây dựng trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn, đặc biệt là nhiều khách hàng, chủ đầu tư đang có xu hướng trì hoãn việc thanh toán.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) vừa công bố cho thấy, hoạt động kinh doanh của ông trùm ngành xây dựng này đã tiếp tục co hẹp trong quí III năm nay.

eb1ctd12

Sau 3 năm bùng nổ, các công trình xây dựng lớn đang ngày càng im tiếng, chủ đầu tư đang trì hoãn thanh toán; rủi ro của các doanh nghiệp xây dựng dựa vào vốn vay ngày càng rõ rệt (ảnh: Coteccons)

Lợi nhuận quí III thấp nhất kể từ 2015

Doanh thu giảm 23% xuống mức 6.225 tỉ đồng, trong khi giá vốn chỉ giảm 21% dẫn đến lợi nhuận gộp Coteccons giảm đến 56% so với cùng kì năm trước, giảm từ 575 tỉ đồng cùng thời điểm 2018 xuống mức 254 tỉ đồng trong quí III năm nay.

Doanh thu từ hoạt động tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi cũng giảm 36% xuống chỉ còn 51 tỉ đồng trong quí III. Theo đó, mặc dù Coteccons đã cắt giảm 18% chi phí quản lí xuống còn 102 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty vẫn giảm đến 65% cùng kì năm trước, ghi nhận mức 165 tỉ đồng.

Với kết quả kinh doanh kém nhất kể từ quí III năm 2015, lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay của Coteccons đã giảm đến 60% so với cùng kì năm trước, mặc dù doanh thu chỉ sụt giảm 21,6%, từ 20.737 tỉ đồng xuống còn 16.262 tỉ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, Coteccons ghi nhận 963 tỉ đồng tiền mặt và 3.012 tỉ đồng tiền gửi tại các ngân hàng; giảm 485 tỉ đồng so với thời diểm đầu năm.

Tổng tài sản của Coteccons giảm 1.936 tỉ đồng xuống còn 14.987 tỉ đồng; trong kì, công ty đã giảm các khoản phải thu ngắn hạn từ 9.054 tỉ đồng đầu năm xuống còn 7.672 tỉ đồng vào cuối quí III.

Song song đó, nợ phải trả của Coteccons cũng giảm 2.100 tỉ đồng xuống mức 6.761 tỉ đồng. Chủ yếu là các khoản phải trả nhà cung cấp và các nhà thầu phụ. 

Coteccons đến nay vẫn chưa vay đồng nào để tạo vốn kinh doanh. Tới cuối quí III, vốn chủ sở hữu Coteccons ghi nhận mức 8.226 tỉ đồng.

Khó khăn của ngành xây dựng

Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh suy giảm một mặt đến từ doanh số giảm, mặt khác, biên lợi nhuận gộp của công ty đã giảm mạnh trong năm nay, giảm mạnh từ mức 7% trong quí III năm trước xuống chỉ còn 4% trong kì này.

Còn theo giải trình của Coteccons về nguyên nhân doanh thu giảm, công ty cho biết do những khó khăn chung của ngành xây dựng. Các dự án bất động sản đã kí nhưng triển khai hoặc triển khai chậm.Trong khi đó, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây dựng trong giai đoạn đấu thầu do nguồn việc ít đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của công ty.

Bên cạnh đó, lợi nhuận gộp giảm do một số công trình có thời gian thi công dài hơn dự kiến, làm tăng chi phí cố định. Đồng thời, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với Chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận.

Ngoài ra, Coteccons cũng cho biết doanh thu tài chính giảm chủ yếu đến từ việc chủ đầu tư xác nhận chậm, dòng tiền thu từ khách hàng chậm, công ty phải sử dụng nguồn tiền tiết kiệm sẵn có để thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp, đội thi công theo các điều khoản hợp đồng đã kí kết.

Đồng thời, trong kì, công ty đã tăng vốn điều lệ rót vào công ty đầu tư Covestcons nên làm giảm nguồn tiền tiết kiệm, ảnh hưởng đến doanh thu tài chính quí III/2019.

Mặc dù vậy, báo cáo kết quả kinh doanh trong quí III Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) - công ty liên kết của Coteccons cũng vừa được công bố lại cho thấy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này bất ngờ tăng trưởng so với cùng kì năm 2018. Bất chấp thị trường BĐS và nhiều doanh nghiệp xây dựng khác đang gặp rất nhiều khó khăn.

Được biết, hoạt động kinh doanh trong ngành xây dựng của Ricons đa dạng hơn so với các đơn vị khác trong ngành, bao gồm cả cung cấp vật liệu xây dựng, cho thuê BĐS và đặc biệt là mảng xây dựng nhà xưởng của Ricons đã trúng thầu nhiều dự án nhà máy sản xuất lớn trong năm nay.

Dù vậy, với việc Ricons không đưa ra một giải trình cụ thể, điều này chắc chắn sẽ lại gợi lên nhiều dấu hỏi đằng sau mối quan hệ "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" giữa các cổ đông nội bộ Coteccons xung quanh các vấn đề quản trị, đặc biệt là kể từ khi Kusto đứng ra bác bỏ chủ trương sáp nhập Ricons vào Coteccons trong kì đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng Tư năm nay.

Huy Nguyên

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.