|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sao Ta khởi đầu năm mới với doanh thu hơn 19 triệu USD

11:03 | 05/02/2024
Chia sẻ
Sao Ta cho biết các nhà máy chế biến của công ty đang tất bật chế biến trước đơn hàng, chuẩn bị cho những chuyến hàng xuất đầu năm âm lịch ngay khi vào việc lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài 8 ngày.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố doanh thu tháng 1/2024 với doanh thu đạt 19,2 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.

Trong tháng đầu năm, sản xuất tôm thành phẩm đạt 1.250 tấn, tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm là 1.614 tấn, bằng 145%.

Với mảng nông sản thành phẩm, lượng sản xuất đạt 65 tấn, giảm 20% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ đạt 189 tấn, bằng 116% với cùng kỳ.

Sao Ta cho biết các nhà máy chế biến của công ty đang tất bật chế biến trước đơn hàng, chuẩn bị cho những chuyến hàng xuất đầu năm âm lịch ngay khi vào việc lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài 8 ngày.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của Sao Ta.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 730 triệu USD, tăng gần 61% so với cùng kỳ, trong đó tôm nguyên liệu tăng 4%.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022.

VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản có thể hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể đạt 9,5 tỷ USD – 10 tỷ USD, tăng 6 - 11% so với năm 2023. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD.

Tôm Việt sẽ tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung. Tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới nửa đầu năm 2024, sản lượng tôm thế giới năm 2024 sẽ tăng 4,8% lên 5,9 triệu tấn.

Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản, đồng thời tăng xuất khẩu tôm chế biến dù tỷ trọng còn khiêm tốn.

Nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Mỹ hồi phục chậm và xu hướng tăng nhập tôm giá rẻ từ Ecuador.  Tuy nhiên xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ khó khăn hơn nếu bị áp thuế chống trợ cấp (CVD). 

VASEP nhận định lạm phát  ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.

Ngoài ra, xung đột Nga – Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác trên thế giới cũng làm xáo trộn thương mại toàn cầu, trong đó có thủy sản. Hệ lụy là chi phí vận tải tăng, các giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Điều này có thể gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024.

Trong các thị trường chính của Việt Nam, Trung Quốc được đánh giá có khả năng phục hồi mạnh, nhưng trả giá thấp và khó cạnh tranh.

Mặt khác, xu hướng gia công tăng lên sau khi ngành chế biến thủy sản Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức (người Duy Ngô Nhĩ) và động thái của Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản khiến các nhà máy Nhật Bản đổ xô sang Việt Nam tìm đối tác gia công.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt có thể sẽ tăng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu và tăng gia công cho các thị trường Nhật Bản, Mỹ.

Minh Hằng