|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sao không để tư nhân tham gia 'giải cứu' sân bay Tân Sơn Nhất?

15:56 | 18/04/2019
Chia sẻ
Sau khi được 'siêu ủy ban' (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước) đồng ý về việc làm chủ đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẳng định sẽ hoàn thành trong 39-43 tháng và không đội vốn.
Sao không để tư nhân tham gia giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất? - Ảnh 1.

Máy bay của các hãng hàng không chờ cất cánh và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dù còn chờ quyết định của Thủ tướng nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lại Xuân Thanh - chủ tịch hội đồng quản trị ACV - nói: "Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đang quá tải. Công suất thiết kế của sân bay này là 28 triệu hành khách/năm nhưng năm 2018 đã đạt 38,3 triệu hành khách/năm.

Chỉ làm thêm nhà ga T3 là không đủ

* Theo ông, trong khi chờ sân bay Long Thành triển khai, giải pháp trước mắt nào để sân bay Tân Sơn Nhất bớt quá tải trong thời gian tới?

- Không bao lâu nữa, nếu không được nâng cấp, mở rộng, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ "đóng băng" tại giới hạn tiêu chuẩn cho phép. Mở rộng Tân Sơn Nhất không chỉ có nhà ga T3.

Do cấu hình khu bay hiện tại chỉ đáp ứng tối đa cho lưu lượng khoảng 270.000-280.000 lượt cất hạ cánh/năm, tương đương 40-41 triệu hành khách, trong khi lưu lượng hành khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất năm 2019 sẽ đạt hơn 40 triệu hành khách.

Theo quy hoạch nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt hành khách/năm thì phải đáp ứng được 330.000 lượt cất hạ cánh/năm. Hiện nay, giới hạn năng lực khai thác bị tắc nghẽn ở khu bay.

* Như vậy, chỉ xây mới nhà ga T3 vẫn chưa thể giải quyết tắc nghẽn?

- Nếu không đầu tư xây dựng mới các hệ thống đường lăn, mở rộng sân đậu máy bay theo đúng quy hoạch điều chỉnh sân bay Tân Sơn Nhất, đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh đã xuống cấp nghiêm trọng thì xây xong nhà ga T3 chẳng để làm gì.

Do đó, trong đề án quản lý khu bay thuộc tài sản nhà nước đang được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng thì ACV sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm đầu tư nâng cấp các hạng mục khu bay hiện hữu, đầu tư xây dựng các hạng mục khu bay mới, chúng tôi sẽ đầu tư luôn đường lăn và nhà ga. Riêng tổng vốn đầu tư đường lăn song song lên đến 2.500 tỉ đồng.

Sao không để tư nhân tham gia giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất? - Ảnh 2.

Sao không để tư nhân tham gia?

* Sau khi được "siêu ủy ban" đồng ý, ACV đã có chuẩn bị gì, liệu có chuyện đến lúc được duyệt lại thiếu vốn?

- Bước đầu tiên là báo cáo khả thi, thiết kế cơ sở đến thiết kế kỹ thuật. Rồi đến công đoạn bàn giao, chuyển đổi đất quốc phòng sang đất thuộc hàng không dân dụng, lập quy hoạch chi tiết 1/500, xin giấy phép xây dựng...

Về nguồn vốn, chúng tôi đã cân đối nguồn lực cho cả kế hoạch xây dựng nhà ga T3 với tổng nguồn vốn 11.430 tỉ đồng và vốn đầu tư sân bay Long Thành.

Hiện ACV có khoảng 25.000 tỉ đồng tiền nhàn rỗi gửi trong ngân hàng; dự kiến giai đoạn 2019-2025, ACV tích lũy thêm được nguồn vốn cho đầu tư khoảng 85.000-87.000 tỉ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng 110.000-120.000 tỉ đồng, hoàn toàn có khả năng đảm bảo việc đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng hàng không bao gồm cả khu bay.

Về sân bay Long Thành, ACV đã lên kế hoạch giai đoạn 1 với nguồn vốn từ 1,2-1,5 tỉ USD, chiếm 40-45% vốn đối ứng cho sân bay Long Thành cho hạng mục khu bay và nhà ga. Chúng tôi hoàn toàn tự tin để thực hiện hai dự án trên.

Sao không để tư nhân tham gia giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất? - Ảnh 3.

Người dân nối hàng dài chờ qua cửa an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

* Doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đầu tư sân bay Vân Đồn. Có ý kiến cho rằng nhà ga T3 để tư nhân làm sẽ tốt hơn, nhanh hơn. Quan điểm của ông thế nào?

- Mô hình tư nhân đầu tư hạ tầng hàng không như cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh) là một điển hình của việc xã hội hóa, tiếp cận mô hình tiên tiến của thế giới. ACV rất ủng hộ mô hình này. Ở dự án Vân Đồn, tư nhân đầu tư đồng bộ, từ khu bay đến nhà ga, sân đỗ và các hạng mục công trình phụ trợ khác.

Theo hình thức này, lợi ích của Nhà nước, của xã hội là việc có được công trình cảng hàng không theo đúng quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà không phải bỏ vốn nhà nước; nhà đầu tư được sở hữu tài sản trên đất mà không phải bàn giao lại cho Nhà nước sau một thời gian khai thác.

Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm duy trì khai thác theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh an toàn hàng không, nhà đầu tư sẽ phải tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cấp mở rộng cảng hàng không theo đúng quy hoạch, kế hoạch và yêu cầu của Nhà nước. Đây là xu hướng của thế giới.

* Trong các kết luận thanh tra, ACV từng có nhiều sai phạm nhưng được giao nhiều dự án trọng điểm như nhà ga T3 và sân bay Long Thành. Liệu khi ACV được giao làm chủ đầu tư có bảo đảm không xảy ra sai phạm nữa không, thưa ông?

- Tôi khẳng định những sai phạm về mặt tài chính trong kết luận, đặc biệt là kết luận của Thanh tra Chính phủ chủ yếu là sai phạm về công tác kế toán. Đa số các sai sót về tài chính đều được xử lý ngay trong giai đoạn thanh tra.

Đang tập trung đầu tư ở phía nam

Ông Lại Xuân Thanh cho biết: "Hiện phương án đầu tư mở rộng sân bay ở phía bắc (hướng sân golf) chưa được tính tới mà đang cố gắng tập trung ở phía nam vì rất cấp thiết, nhiều việc phải làm như xây dựng đường lăn thoát nhanh, sân đỗ, nhà ga T3, đường giao thông nội cảng... Việc tiếp tục mở rộng phía bắc sẽ thực hiện ở giai đoạn sau".

Theo ông Thanh, trong thời gian chờ nhà ga T3 khởi công, ACV cố gắng bằng nhiều biện pháp tạm thời để giải tỏa bớt quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất như mở thêm cửa ra máy bay, cơi nới thêm diện tích ở nhà ga, thêm băng chuyền...

Công Trung

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.