|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sẵn sàng đối phó với các vụ kiện về xuất xứ nguyên liệu gỗ

20:53 | 22/06/2020
Chia sẻ
Hội nhập thương mại toàn cầu khiến doanh nghiệp (DN) thường xuyên đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại của các quốc gia. Đối với ngành gỗ, các vụ kiện về xuất xứ nguyên liệu thường xuyên xảy ra, nhất là đối với những nước có độ giao thương mở như Việt Nam.
Sẵn sàng đối phó với các vụ kiện về xuất xứ nguyên liệu gỗ - Ảnh 1.

Mục tiêu áp thuế chống lẩn tránh không nhằm vào sản phẩm của Việt Nam mà để đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với sản phẩm xuất khẩu của quốc gia khác - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Gần đây nhất, ngày 17/6/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng đối với sản phẩm gỗ ván ép của Trung Quốc được nhập khẩu từ Việt Nam. 

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này sang Hoa Kỳ của Việt Nam trong năm 2019 là khoảng 300 triệu USD.

Nếu DOC kết luận sản phẩm gỗ ván ép của Việt Nam lẩn tránh thuế  phòng vệ thương mại đang áp với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ ban hành lệnh áp thuế với sản phẩm này của Việt Nam từ thời điểm khởi xướng điều tra với mức thuế cao nhất đang áp với Trung Quốc (thuế phá giá là 183,36%; thuế chống trợ cấp là 22,98% - 194,9%).

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính trong cả giai đoạn 2007 – 2017 mới chỉ có 3 vụ việc với mặt hàng gỗ, tuy nhiên từ 2018 đến nay đã có 4 vụ với sản phẩm này.

Trong khi đó, giá trị xuất khẩu trong các vụ việc với sản phẩm gỗ gần đây cao hơn nhiều so với các vụ trong giai đoạn 2007 – 2017. 

Bằng chứng là, vụ việc chống bán phá giá gỗ MDF do Ấn Độ điều tra năm 2015 có giá trị xuất khẩu khoảng 3,1 triệu USD, trong khi đó vụ việc Hàn Quốc điều tra gỗ dán năm 2019 có giá trị xuất khẩu khoảng 170 triệu USD.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTTN) nhận định, việc khởi kiện lẫn nhau trong cạnh tranh thương mại là bình thường khi Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, có giao thương rộng lớn. 

Đây là dịp để các doanh nghiệp tự nhìn nhận lại. Doanh nghiệp làm ăn chân chính có điều kiện tốt để khẳng định lại bản thân.

Về vụ việc nguy cơ khởi kiện gỗ ván mới đây, ông Nghĩa nhìn nhận, thực tế cho đến nay các vụ kiện chưa ảnh hưởng nhiều đến giá trị xuất khẩu gỗ ván của Việt Nam. 

Thống kê của ngành Lâm nghiệp cho thấy năm 2019, mặt hàng này xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc.

“Nửa đầu năm nay, giá trị xuất khẩu vẫn tương đương so với cùng kỳ năm trước. Chắc chắn động thái này sẽ gây ảnh hưởng tới giá trị xuất khẩu nhưng có độ trễ nhất định. Hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp đang phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các địa phương để hướng dẫn doanh nghiệp theo đuổi vụ kiện; báo cáo lãnh đạo Bộ NN&TPNT, phối hợp với Bộ Công Thương để vượt qua khởi kiện của Hoa Kỳ”, ông Nghĩa cho biết.

Có một kinh nghiệm thấy rõ, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh, biện pháp chống lẩn tránh thuế đều không ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam do các doanh nghiệp đã chủ động sử dụng nguồn nguyên liệu từ trong nước hoặc các nước khác thay vì nguyên liệu của Trung Quốc để sản xuất hàng xuất khẩu.

Nguyên liệu gỗ thu hoạch tại Việt Nam hàng năm đủ để sản xuất 8,4 triệu m3 gỗ dán trong khi tổng lượng xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam năm 2019 là 2,5 triệu m3. Như vậy, xét về nguyên liệu đầu vào thì Việt Nam đủ năng lực cung ứng cho các nhà máy sản xuất gỗ dán.

Tuy vậy, để tránh các rủi ro từ các vụ kiện thương mại, doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu; tiếp tục phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, đây cũng là giải pháp lâu dài để ứng phó với các cuộc điều tra chống lẩn tránh đang ngày càng gia tăng…

Đỗ Hương