|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Sản phẩm dịch vụ mới lạ lên ngôi trong mùa kích cầu du lịch lần hai

10:47 | 03/10/2020
Chia sẻ
Khi cầu du lịch giảm, các chương trình giảm giá kém hấp dẫn người tiêu dùng, các doanh nghiệp chuyển hướng tung ra nhiều sản phẩm mới lạ để kích cầu du lịch.

Theo một khảo sát của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) công bố vào tháng 9, có 57% người được hỏi trả lời rằng họ vẫn lo ngại khi đến các địa điểm đã từng bùng phát dịch bệnh, 56% ý kiến cho rằng điểm đến du lịch an toàn tác động phần lớn vào quyết định của họ.

Nắm bắt tâm lí của khách hàng, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đã cải tiến các sản phẩm hiện có đồng thời ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo nhằm kích cầu du lịch của người dân, với tiêu chí trọng tâm là "an toàn" và "hấp dẫn".

Doanh nghiệp tung nhiều sản phẩm mới lạ cho đợt kích cầu du lịch lần hai - Ảnh 1.

Doanh nghiệp tung ra nhiều sản phẩm mới lạ nhằm kích cầu du lịch lần hai. (Ảnh: Divui.com)

Giảm giá sâu kém sức hút, sản phẩm dịch vụ mới lạ lên ngôi

Phản ứng trước nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng ở mức thấp, từ đầu năm tới nay các doanh nghiệp đã đồng loạt tung ra nhiều ưu đãi và giảm giá sâu. Tuy dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam nhưng người dân vẫn thận trọng và hạn chế đi lại khi trên thế giới vẫn còn một số điểm bùng phát dịch trở lại.

Nhiều sản phẩm có ưu đãi giảm giá tới mức "không thể giảm thêm được nữa", khách hàng cũng kém mặn mà với các dịch vụ giảm giá sâu. Điều này buộc doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới qua việc làm mới, đổi mới sản phẩm, dịch vụ đồng thời đầu tư và tung ra nhiều sản phẩm mới lạ và hấp dẫn.

Vào tháng 5, Vingroup xác nhận thông tin đã đặt hàng tàu ngầm vô cực có tên DeepView24 của công ty Triton nhằm phục vụ khách hàng ưa thích các kì nghỉ phiêu lưu ở đảo Hòn Tre, Nha Trang.

Theo trang tin tức Digital Trends, DeepView 24 có giá khoảng 7,7 triệu USD. Dự kiến, vé đi tàu ngầm sẽ bắt đầu mở bán vào tháng 12 năm nay. Ngoài ra, Tập đoàn cũng khai trương hệ thống spa "Jjim Jil bang" (spa công cộng) rất nổi tiếng ở Hàn Quốc.

Doanh nghiệp tung ra nhiều sản phẩm mới lạ nhằm kích cầu du lịch lần hai - Ảnh 1.

Hình ảnh Tàu ngầm DeepView24 được chia sẻ trên mạng xã hội.

Bên cạnh sản phẩm mới, Tập đoàn Vingroup cũng nâng cấp, cải tiến sản phẩm hiện có như siêu phẩm giải trí TaTa Show ở đảo Hòn Tre, Nha Trang.

Trong tháng 9, hãng hàng không Bamboo Airways đã triển khai sản phẩm mới là dịch vụ vé đi Côn Đảo với đường bay thẳng từ Hà Nội, Hải Phòng và Vinh. Với đường bay thẳng trên, hành khách từ các địa điểm này tới Côn Đảo không cần nối chuyến qua TP HCM hay Cần Thơ, thời gian di chuyển tiết kiệm 1,5 tiếng so với trước đây.

Đồng thời, hành khách sẽ có thêm nhiều lựa chọn về giá vé và chuyến bay khi hãng hàng không Vasco không còn ở thế độc quyền khai thác đường bay thẳng tới Côn Đảo.

Bamboo Airways không chỉ tận dụng hệ sinh thái sẵn có của FLC, công ty chủ quản của Bamboo, mà hãng phối hợp với các đơn vị vận hành chuỗi nghỉ dưỡng lớn khác như Vinpearl, Intercontinential, Lotte Residence... tích hợp nhiều gói combo nhằm hấp dẫn khách hàng.

Doanh nghiệp lữ hành Vietravel cũng khởi động các chương trình tour đa dạng, đơn cử như chương trình tour tự chọn, thiết kế riêng theo nhu cầu du lịch của du khách. Đồng thời công ty cũng triển khai các dịch vụ nghỉ dưỡng 5 sao giảm giá 50% nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng phục vụ cao.

Đồng thời, Vietravel ra mắt chương trình đảm bảo an toàn cho du khách qua việc qui định đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, phối hợp với hệ thống các đối tác nhằm giới thiệu các sản phẩm dịch vụ an toàn cho du khách. 

Việc liên kết các địa điểm, vùng miền du lịch hay giữa các doanh nghiệp để cùng tung ra các sản phẩm du lịch cũng là phương án được quan tâm. Đơn cử như SunGroup liên kết với Vietnam Airlines tung ra các gói combo nghỉ dưỡng, du lịch, giải trí "Bay về phía mặt trời" hấp dẫn cho du khách.

Theo Sungroup, đây là gói sản phẩm được thiết kế linh hoạt, tiện lợi và tiết kiệm cho gia đình đã bao gồm vé máy bay khứ hồi, phòng khách sạn và dịch vụ vui chơi giải trí tại các điểm Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long và Phan Xi Păng.

Các địa phương cũng vào cuộc mở chương trình kích cầu

Doanh nghiệp tung nhiều sản phẩm mới lạ cho đợt kích cầu du lịch lần hai - Ảnh 3.

Phải có sự liên minh, liên kết giữa các doanh nghiệp hàng không, doanh nghiệp vận chuyển... để kích thích nhu cầu du lịch nội địa. (Ảnh minh họa: CafeF)

Trong giai đoạn mà nguồn lực của doanh nghiệp có hạn, sản phẩm cũ kém hấp dẫn người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng gần "kiệt sức" sau cú bùng dịch đợt hai, họ buộc phải liên kết với nhau, bắt tay với hàng không, doanh nghiệp vận chuyển... đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ chính phủ, chính quyền địa phương về thuế, phí, lệ phí.

Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã cùng doanh nghiệp triển khai các chương trình kích cầu du lịch và tháo gỡ những khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng ảm đạm.

Tại Hà Giang, vào tháng 11 tới sẽ diễn ra lễ hội hoa tam giác mạch, liên hoan ẩm thực với 8 tỉnh Tây Bắc, TP HCM. Trong buổi toạ đàm kích cầu du lịch lần hai, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang đã đề xuất với các đơn vị giảm thuế, giá điện để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đà Nẵng, tâm dịch COVID-19 hồi tháng 7, cũng đang dần có những bước tiến nhằm phục hồi kinh tế du lịch qua các chương trình như "Tuyệt vời Đà Nẵng ơi" hay cuộc thi ảnh "Nhớ Đà Nẵng" với mục đích nhằm lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất, yên bình nhất của thành phố.

Ông Nguyễn Xuân Bình, lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay Sở sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng và các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao như tổ chức giải Golf hay Tour du lịch sinh thái tự nhiên hướng về nhóm du lịch nhỏ lẻ, liên kết với các địa phương có lợi thế về biển, xúc tiến trực tuyến các thị trường nước ngoài.

Phía TP HCM tiếp cận kích cầu theo hai hướng mức giá và nhu cầu của người dân. Hiện TP HCM khuyến khích người dân trong và ngoài thành phố đến để đi du lịch, đồng thời người TP HCM đi ra các tỉnh, địa phương khác.

Sở Du lịch TP HCM sắp tới sẽ liên kết vùng để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, kết nối các địa phương, theo đó TP HCM sẽ là một "mắt xích" của chuỗi địa phương sẵn sàng chào đón du khách, lãnh đạo Sở VHTT&DL TP HCM chia sẻ.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng đầu năm ước tính đạt 14.200 tỉ đồng, chiếm 0,4% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng năm 2020, giảm 56,3% so với cùng kì năm ngoái (năm 2019 tăng 9,9%).

Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng giảm mạnh so với cùng kì năm trước có thể kể đến như Khánh Hòa giảm 78,7%, TP HCM giảm 73,7%, Quảng Nam giảm 70,6%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 68,5%; Đà Nẵng giảm 68,1%...

Các biện pháp kích cầu trên là một trong những phương án trong chiến dịch phục hồi nền kinh tế, thúc đẩy việc làm và gia tăng tiêu dùng trong nước.

Tường Vy