Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) giảm quĩ lương 15-45%
Trong buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Ủy ban) mới đây, lãnh đạo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) một lần nữa cho biết dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty.
Sản lượng vận chuyển qua các cảng hàng không giảm 51 triệu lượt khách, tương ứng giảm 44% so với dự kiến đầu năm trước khi có dịch. Tổng doanh thu của ACV giảm 11.356 tỉ đồng tương ứng giảm 53%, trong đó doanh thu từ dịch vụ hàng không giảm đến 11.669 tỉ đồng, tương ứng giảm 60% so với ước tính trước dịch.
Tổng lợi nhuận trước thuế của ACV cũng giảm đến 9.497 tỉ đồng, tức là mất đến 80% so với dự kiến đầu năm trước khi có dịch.
ACV có gần 10.000 người lao động làm việc tại 21 cảng hàng không trên cả nước. Trong thời gian cách li xã hội từ ngày 1/4 đến 22/4 và thời gian dịch bệnh tái phát lần 2 từ ngày 25/7, ACV chỉ bố trí lực lượng trực với cơ số tối thiểu, còn lại tạm nghỉ.
Trong giai đoạn phục hồi của ngành hàng không, người lao động làm việc luân phiên khoảng 50%. Để đảm bảo kết quả kinh doanh, bảo toàn phát triển vốn, ACV đã tiết giảm các chi phí bằng cách giảm quĩ lương từ 15 đến 45%. Tuy nhiên, ACV khẳng định chưa cắt giảm lao động.
ACV dự kiến thời gian phục hồi của ngành hàng không phải mất từ 3 đến 5 năm. Theo đó, ACV đưa ra dự kiến tác động đến kế hoạch kinh doanh và dòng tiền giai đoạn 2021 - 2025 như sau:
Tổng hành khách đạt 597 triệu lượt, giảm 24% tương đương 184 triệu khách so với dự kiến không có dịch; tổng doanh thu đạt 111.000 tỉ đồng, giảm hơn 20% tương đương hơn 28.000 tỉ đồng; tổng lợi nhuận đạt 62.000 tỉ đồng, giảm hơn 28%, tương ứng 17.000 tỉ đồng so với dự kiến không có COVID-19.
Về dòng tiền tích lũy hàng năm để đầu tư đến năm 2025, ACV dự kiến giảm 24.761 tỉ đồng so với dự kiến khi không có dịch.
Về kế hoạch vốn đầu tư đến năm 2025, tại 21 cảng hàng không đang hoạt động và cảng hàng không Nà Sản do ACV quản lí, tổng nhu cầu vốn là 43.415 tỉ đồng (trước COVID-19 là 64.080 tỉ đồng).
Riêng đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Hội đồng thẩm định Nhà nước dự kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao ACV làm chủ đầu tư giai đoạn 1, thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, không bảo lãnh Chính phủ, với nhu cầu vốn dự kiến 93.088 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Hiển - Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng đánh giá việc ACV vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.295 tỉ đồng trong năm nay sẽ là thử thách rất lớn. ACV đã được giao làm chủ đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đây là dự án trọng điểm cho tương lai của ACV.
Ông Hiển cho biết việc chuẩn bị cho phương án ACV được giao làm chủ đầu tư vào sân bay Long Thành đang tiến triển khá tích cực, tạo thuận lợi trong triển khai các công việc khác của ACV.
Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị ACV đánh giá lại khả năng huy động vốn giai đoạn 2021 – 2025, trong đó lưu ý đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh; rà soát toàn bộ danh mục thuộc kế hoạch đầu tư giai đoạn 5 năm 2020 – 2025.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, ACV ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 1.15 tỉ đồng và 1.228 tỉ đồng, giảm sâu so với cùng kì năm ngoái nhưng vẫn khả quan hơn các hãng hàng không đang phải chịu thua lỗ.