|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sàn mua bán nợ chính thức đi vào hoạt động từ 15/10, vẫn còn nhiều vướng mắc

11:27 | 14/10/2021
Chia sẻ
Sau thời gian dài chờ đợi, sàn mua bán nợ của VAMC sẽ chính thức đi vào hoạt động vào ngày mai (15/10). Tuy nhiên, theo các chuyên gia các quy định pháp lý hiện tại về mua bán nợ vẫn chưa được hoàn thiện để hỗ trợ cho hoạt động của sàn.

Từ 15/10, sàn giao dịch nợ của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản (VAMC) sẽ chính thức đi vào hoạt động với mô hình chi nhánh của VAMC, theo cho biết của ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh thanh tra Giám sát trong họp báo quý III của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Hoạt động của sàn giao dịch nợ sẽ chỉ ở mức tư vấn, trung gian mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, không bao gồm hoạt động bán đấu giá. Ngoài ra, sàn còn là nơi thông qua các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến nợ xấu.

Về nguyên tắc hoạt động, theo VAMC, các khoản nợ là "hàng hóa" giao dịch, sàn sẽ rà soát, đánh giá lại về thông tin khoản nợ để cung cấp cung cấp các dịch vụ liên quan như tư vấn hồ sơ, hợp đồng, thủ tục mua/bán. 

Thậm chí, có thể tư vấn cho khách hàng giải quyết nợ xấu bằng cách tái cấu trúc khoản nợ, giúp doanh nghiệp có nợ xấu phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn để tiếp tục trả nợ.

Sàn mua bán nợ chính thức đi vào hoạt động từ 15/10, vẫn còn nhiều vướng mắc - Ảnh 1.

Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản (Ảnh: VAMC).

Thành viên tham gia sàn giao dịch gồm những ai?

Ngoài VAMC, các thành viên tham gia sàn giao dịch còn gồm các tổ chức tín dụng, AMC của các tổ chức tín dụng và các công ty mua bán nợ trong nền kinh tế theo Nghị định 69 năm 2016 đáp ứng được điều kiện của sàn. 

Bên cạnh các đối tượng trên, sàn giao dịch nợ VAMC còn có sự tham gia của các đối tác trung gian như tổ chức thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm, các tổ chức môi giới, tư vấn…

Các khoản nợ được giao dịch được lấy từ nguồn do VAMC mua theo giá thị trường có thể giao dịch ngay và các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt, cần phải có sự thống nhất giữa VAMC và TCTD về hình thức xử lý trước khi mang lên sàn.

Thông tin từ VAMC cho biết luỹ kế đến 30/6, tổ chức này đã mua được khoảng 10.000 tỷ đồng theo giá thị trường, số nợ này đã được xử lý 70%, còn 30%, tương ứng 3.000 tỷ đồng có thể thực hiện giao dịch ngay. 

Giá trị nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt tới 31/5 đạt 94.500 tỷ đồng và dự kiến vẫn tiếp tục tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Cần thiết lập ngay những hành lang pháp lý

Việc thành lập sàn giao dịch nợ là phù hợp với xu hướng chung của thế giới và đã được đề cập từ cách đây nhiều năm nhằm mục tiêu tạo một loại hình dịch vụ mới, chuyên nghiệp hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, cùng với đó cần có khung pháp lý rõ ràng hơn trong quá trình mua bán và xử lý các khoản nợ xấu.

Trao đổi trong toạ đàm về nợ xấu vào tháng 6, ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC, đánh giá thị trường mua bán nợ của Việt Nam còn sơ khai, công cụ và hành lang pháp lý cho thị trường chưa đồng bộ, hạ tầng thị trường mới bước đầu hình thành và phương thức mua, bán nợ xấu còn hạn chế.

Ông Thắng đề nghị các bộ, ngành sớm hoàn thiện công cụ và khung khổ pháp lý cho thị trường, trong đó có việc sớm chứng khoán hóa nợ xấu.

"Giao dịch mua bán nợ ở nước ta vẫn chủ yếu thông qua hợp đồng, còn ở các nước là giao dịch qua hình thức chứng khoán hóa. Bộ Tài chính đang xây dựng đề án này nhưng quá chậm, theo tôi cần phải nhanh hơn nữ việc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu", ông Đoàn Văn Thắng đề xuất.

Sàn mua bán nợ chính thức đi vào hoạt động từ 15/10, vẫn còn nhiều vướng mắc - Ảnh 2.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC. (Ảnh: Tiền Phong).

Cùng với đó, Nghị quyết 42 từng được đánh giá là "giải pháp cứu cánh" cho việc xử lý nợ xấu sẽ hết thời gian thí điểm vào năm sau và việc áp dụng xử lý nợ còn bó hẹp đối với các khoản nợ xấu trước ngày 15/8/2017. Điều này tạo một khoảng trống pháp lý cho việc xử lý nợ trong thời gian tới.

Do vậy, NHNN, Hiệp hội ngân hàng và nhiều chuyên gia cũng đã đề xuất cần thiết phải luật hoá các quy định tại Nghị quyết 42 để tiếp tục triển khai, áp dụng trong xử lý nợ xấu của theo hướng ban hành một luật riêng quy định về xử lý nợ xấu.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Quốc hội kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42. Muốn kéo dài thì phải đánh giá, tổng kết những mặt được, mặt chưa được, nếu không thì bổ sung vào các bộ luật dân sự ra sao, để TCTD có hành lang thông thoáng để xử lý.

"Đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua bán nợ, đồng thời có các chính sách ưu đãi cho các đơn vị mua, xử lý nợ xấu để góp phần đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất.

Diệp Bình