|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VAMC xử lý hơn 16.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2024

08:22 | 18/01/2024
Chia sẻ
Theo đại diện VAMC, trong năm 2023, công ty đã mua 1.755 tỷ đồng nợ theo giá trị thị trường, xử lý hơn 16.000 tỷ đồng nợ theo dư nợ gốc và hoàn thành chỉ tiêu mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt.

Quang cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2024 của VAMC. (Ảnh: Thời báo Ngân hàng).

Sáng 17/1, Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2024. Tại Hội nghị, Phụ trách Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc VAMC, TS. Đoàn Văn Thắng cho biết các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023 của VAMC hầu hết đều tăng trưởng cao so với năm 2022.

Báo cáo cụ thể, Phó Tổng Giám đốc Lê Văn Hùng thông tin, hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường (GTTT) đạt 1.755 tỷ đồng mua nợ, tăng 65% so với năm 2022; xử lý thu hồi nợ đạt 16.109 tỷ đồng theo dư nợ gốc, tăng 49% so với năm 2022. 

VAMC cũng đã hoàn thành chỉ tiêu mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), đạt 117% kế hoạch xử lý thu hồi nợ. Năm 2023, kế hoạch mua nợ bằng TPĐB của VAMC là 12.000 tỷ đồng, mua nợ theo GTTT là 2.700 tỷ đồng và xử lý nợ xấu là 13.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, VAMC đã hoàn thành kế hoạch doanh thu, kế hoạch lợi nhuận năm 2023 và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao.

Lãnh đạo VAMC đánh giá sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và 5 năm triển khai Kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2019 - 2023, hoạt động mua bán và xử lý nợ của VAMC đạt kế quả tích cực.

Nhờ Nghị quyết 42, kết quả thu hồi nợ từ 15/8/2017 đến 31/12/2023 chiếm gần 3/4 kết quả thu hồi nợ giai đoạn 2013 - 2023; VAMC đã mua nợ theo giá trị thị trường gần 14.000 tỷ đồng giá mua.

Trong đó, mua nợ theo Nghị quyết 42 chiếm gần 95% và xử lý được hơn 79% nợ thị trường đã mua; thành lập và đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC, bước đầu đã góp phần tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam ...

Phụ trách HĐTV, Tổng Giám đốc VAMC, TS. Đoàn Văn Thắng. (Ảnh: Thời báo Ngân hàng).

Sang năm 2024, VAMC dự báo còn nhiều khó khăn, nhất là trong hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu. Vì vậy, lãnh đạo VAMC kiến nghị Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành tăng cường công ty về cả vốn, công nghệ, nhân lực và hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý TSBĐ, khoản nợ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ. 

Cụ thể, VAMC đề nghị NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2013/TT-NHNN ban hành ngày 06/9/2013 theo đề xuất tại văn bản số 1154/CV-VAMC ngày 10/10/2023 (thay thế Văn bản số 1026/CV-VAMC ngày 24/11/2022); phê duyệt Phương án phát hành TPĐB và Phương án mua nợ theo GTTT năm 2024 ...

Lãnh đạo VAMC cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm mở rộng phạm vi, hoạt động đấu giá tài sản của VAMC. Công ty mong muốn không chỉ được đấu giá nợ xấu/TSBĐ của khoản nợ xấu mua nợ từ TPĐB, mua theo GTTT mà còn khoản nợ, TSBĐ của khoản nợ của các TCTD lựa chọn bán đấu giá qua VAMC.

Về kế hoạch năm 2024, VAMC đặt mục tiêu: Mua nợ bằng TPĐB (giá mua nợ tối đa) là 10.000 tỷ đồng, mua nợ theo giá trị thị trường (giá mua nợ) đạt 2.000 tỷ đồng và xử lý nợ xấu (dư nợ gốc xử lý) ở mức 11.586 tỷ đồng.

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).