Sắn mất mùa, giá thấp hơn nhiều so với năm trước
Năng suất giảm, giá thấp
Những năm qua, do đầu ra của cây mía ngày càng bấp bênh nên nông dân đổ xô phá nhiều diện tích mía chuyển sang trồng sắn. Do đó, diện tích cây sắn trên địa bàn Bình Định tăng nóng.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 diện tích sắn tại Bình Định mới đạt đến con số 11.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay diện tích sắn trên địa bàn tỉnh này đã đạt trên 13.581 ha.
Nông dân thu hoạch sắn |
Địa phương tăng nóng diện tích sắn nhất tỉnh Bình Định là huyện Tây Sơn. Theo ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện, trước đây trên địa bàn Tây Sơn có đến 2.800 ha mía, những năm gần đây nhiều diện tích mía đã bị phá bỏ để chuyển sang trồng sắn, hiện diện tích mía chỉ còn khoảng 600 ha, trong khi đó diện tích sắn tăng đến hơn 2.700 ha. Nông dân Tây Sơn kỳ vọng chuyển sang trồng sắn để có thu nhập ổn định hơn.
Tuy nhiên, năm nay mọi kỳ vọng về cây sắn của nông dân đã tắt ngấm. Bởi, khi bắt đầu xuống giống thì nắng hạn kéo dài khiến cây sắn “chết yểu”, số nào còn sống thì mất năng suất, hàm lượng chữ bột kém, đến khi bán giá lại tuột thấp, nông dân thiệt kép.
Lão nông Thi Văn Lợi (77 tuổi) ở thôn 1, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định), cho biết: “Năm nay gia đình tui trồng được 4 sào sắn, 2 sào xuống giống vào tháng chạp năm trước chết mất 50%, 2 sào xuống giống vào tháng giêng năm nay hạn hán làm chế ráo, trồng dặm lại được chẳng bao nhiêu. Nắng nóng kéo dài nên số sắn còn đứng được cho năng suất và chữ bột rất kém. Bây giờ bán chưa được 1.000đ/kg sắn tươi nên bao nhiêu đầu tư, công lao đổ xuống trở thành… công cốc. Giá sắn tươi rẻ quá, nhiều hộ xắt lát phơi khô để dành chăn nuôi”.
Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn), cho biết thêm: “Nếu như trước đây năng suất sắn trên địa bàn đạt khoảng 20 tấn/ha thì năm nay chỉ đạt khoảng 14-15 tấn/ha, chữ bột cũng kém hẳn do nắng nóng kéo dài”.
Theo ông Đặng Vĩnh Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân (huyện Tây Sơn), trên địa bàn xã này có khoảng 250 ha đất trồng sắn. Đầu vụ, nắng nóng đã làm chết khoảng 50% diện tích, đến khi thu hoạch thì sắn mất năng suất, chữ bột kém, nên chỉ được nhà máy thu mua khoảng dưới 1.000đ/kg sắn tươi. Trong khi đó, ngày công lao động tăng từ 100.000đ lên đến 150.000đ-170.000đ khiến người trồng sắn bị thua lỗ nặng.
Xuất khẩu tinh bột “tắt” đầu ra
Để giải quyết hết lượng sắn tồn đọng, nhất là tại thời điểm Bình Định bắt vào mùa mưa lũ, từ 15/10, Cty CP Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (BDSTAR) đã bắt đầu tổ chức thu mua nguyên liệu. Tuy nhiên, giá thu mua sắn nguyên liệu năm nay thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm ngoái.
Giá sắn tươi thấp, nhiều hộ nông dân xắt lát phơi khô phục vụ chăn nuôi |
Theo ông Lê Văn Tám, Giám đốc BDSTAR, hiện nay nhà máy thu mua sắn tươi loại có chữ bột 30 độ với giá 1.420đ/kg, loại sắn có chữ bột từ 25 độ trở xuống 1.220đ/kg, loại có chữ bột từ 20 độ trở xuống 920đ/kg. “Giá thu mua sắn nguyên liệu năm nay thấp hơn nhiều so với năm trước”, ông Tám thừa nhận.
Cũng theo ông Tám, vào thời điểm này năm trước, nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu thu mua sắn nguyên liệu loại có chữ bột 30 độ với giá trên 1.700đ/kg tươi, loại có chữ bột từ 25 độ trở xuống 1.450đ/kg, loại có chữ bột từ 20 độ trở xuống 1.200đ/kg.
Theo giải thích của Giám đốc BDSTAR Lê Văn Tám, sở dĩ năm nay giá thu mua sắn nguyên liệu hạ thấp do hàng bán không chạy. Sản phẩm tinh bột sắn của BDSTAR chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.
"Nắng nóng kéo dài nên sắn vừa mất năng suất, vừa có hàm lượng chữ bột thấp. Công suất của nhà máy là 120 tấn tinh bột/ngày đêm nhưng hiện nay thu mua chưa đủ số lượng để chạy. Hy vọng đến tháng 3-4/2017 xuất hàng được sang thị trường Indonesia thì tình hình sản xuất của nhà máy mới được cải thiện”, ông Tám cho biết thêm.
Theo Vũ Đình Thung