|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản lượng tôm của Trung Quốc có thể vượt Ecuador trong năm 2024

12:07 | 03/01/2024
Chia sẻ
Sản lượng tôm của Trung Quốc được dự báo đạt 1,4 triệu tấn trong năm 2024. Trong khi đó, sản lượng của Ecuador có thể giảm xuống 1,2 triệu tấn.

Theo Undercurrent News, một chuyên gia trong ngành nhận định sản lượng tôm nuôi toàn cầu có thể sẽ giảm trở lại vào năm 2024; trong khi thị trường toàn cầu tiếp tục trì trệ. 

Ông Robins McIntosh, giám đốc mảng kinh doanh tôm của C.P. Food, dự báo sản lượng tôm chân trắng toàn cầu sẽ giảm nhẹ khoảng 20.000 tấn vào năm 2024 xuống còn 4,96 triệu tấn. Trong năm 2023, sản lượng tôm giảm 7% xuống 4,97 triệu tấn.

Đối với sản lượng tôm sú, ông McIntosh dự báo sản lượng sẽ giảm khoảng 107.000 tấn xuống còn 5,38 triệu tấn. Bất chấp cả bệnh mới và bệnh cũ, dự báo của McIntosh cho thấy sản lượng tôm thẻ chân trắng và tôm sú của Trung Quốc tiếp tục tăng, trong khi Ecuador giảm khoảng 200.000 tấn. 

Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng đường xu hướng sẽ thay đổi vì thị trường Trung Quốc quá mạnh. Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ vượt qua Ecuador vào năm 2024 và trở thành nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới”. 

Ông McIntosh cho biết ngành tôm trong năm 2024 sẽ phải đối mặt với một số bệnh mới. Đặc biệt, bệnh hậu ấu trùng mờ (TPD), bắt đầu ở Trung Quốc gây lo ngại trên toàn cầu. 

Theo một nghiên cứu của Trung Quốc được công bố vào ngày 31/10/2023 trên tạp chí Microbiology Spectrum, TPD “có thể gây tử vong cho tôm hậu ấu trùng (PL) thông qua việc thu được các yếu tố độc lực mới” . 

Ông nói: “Bệnh dịch này nguy hiểm hơn EMS [hội chứng tử vong sớm, hiện được gọi là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính] và đó là hai gen độc tố mới”. “Vì vậy, nếu bệnh dịch này lan rộng ra thế giới, đó có thể là cú hạ gục tiếp theo.” Sau đó, thị trường có thể gặp tình trạng dư cung và “không ai kiếm được tiền”, McIntosh nói với Undercurrent . 

“Tôi không nghĩ thị trường sẽ phục hồi nhanh chóng vì hiện có quá nhiều tôm. Các kho lạnh vẫn đầy ắp trong khi nguồn cung từ các nước vẫn dồi dào. Ecuador vẫn đang tăng sản lượng mặc dù mức tăng đã giảm trong 4 - 5 tháng qua”. 

Mặc dù giá xuất khẩu giảm sâu nhưng người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng mức giá rẻ đó vì các nhà bán lẻ vẫn chưa hạ giá.

”Các nhà bán lẻ [ở Bắc Mỹ] cho biết chi phí của họ đang tăng lên. Vì vậy, họ chưa có những biện pháp để kích thích nhu cầu một cách nhanh chóng. Túi tiền eo hẹp và tôm là loại thịt cao cấp; sẽ không bao giờ có giá rẻ như thịt gà. Tôm đang cạnh tranh trực tiếp với thịt bò." Trên hết, có khả năng Mỹ sẽ áp thuế đối với 4 nhà cung cấp tôm hàng đầu là Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam. 

McIntosh cho biết: “Chắc chắn đây sẽ là một năm rất thú vị đối với ngành tôm”.

Sản lượng tôm Trung Quốc có thể vượt Ecuador 

Đối với người thắng và kẻ thua trong năm 2024, các quốc gia có thị trường nội địa được bảo hộ, như Trung Quốc và Brazil, có động lực tốt nhất để phát triển sản xuất. 

"Các quốc gia có thị trường nội địa tiêu thụ tốt có thể tăng trưởng vì họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá cả thị trường, vốn là động lực lớn khiến sản xuất giảm. Brazil và Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trường vì cả hai đều có nhiều có nhiều dư địa ở thị trường trong nước” ông McIntosh nói. 

“Mặc dù Malaysia gặp chút khó khăn nhưng họ có được thị trường Singapore. Thị trường này không lớn bằng các thị trường khác nhưng lại là một lợi thế”.

Ông nói, nếu bị ràng buộc vào xuất khẩu, cũng như Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia, thì sẽ phải phụ thuộc vào giá cả thị trường. 

Trên thực tế, McIntosh ước tính sản lượng tôm thẻ chân trắng của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 10% lên hơn 1 triệu tấn vào năm 2023, cộng thêm sản lượng tôm sú khoảng 150.000-160.000 tấn.

Đối với năm 2024, ông dự đoán sản lượng tôm thẻ chân trắng của Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 1,2 triệu tấn và tôm sú lên khoảng 200.000 tấn, tức tổng cộng là 1,4 triệu tấn. 

Đối với sản lượng của Ecuador, McIntosh ước tính sẽ tăng 8% trong năm 2023 lên 1,4 triệu tấn. Tuy nhiên, ông dự đoán sản lượng sẽ giảm mạnh vào năm 2024 xuống còn 1,2 triệu tấn. 

Ông nói: “Tôi thậm chí còn nghĩ rằng sản lượng có thể sụt giảm mạnh hơn thế”. Ông cho biết, sự tăng trưởng ở Trung Quốc đang được thúc đẩy bởi thị trường tôm tươi sống mạnh mẽ, vốn chỉ có thể được phục vụ bởi các nhà sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các hệ thống mương cung cấp nước mới được lắp đặt với tốc độ nhanh chóng ở một số tỉnh. 

Mặc dù bệnh TPD và enterocytozoon hepatopenaei, hay EHP, đang gây ra vấn đề cho nông dân Trung Quốc, nhưng triển vọng sản xuất vẫn lạc quan. 

Ông nói: “Ở Trung Quốc, mô hình ao nuôi tôm hiện nay rất khác. Họ gọi chúng là những “đường đua nhà kính” thu nhỏ. Chúng là những đường mương riêng lẻ có diện tích 250–300 mét vuông trong một nhà kính. Nếu họ có được tôm giống sạch, họ có thể có một vụ nuôi thành công. Họ nói với tôi rằng hiện tại có thể có tới 400.000 con giống như vậy. Nếu mỗi mương cho sản lượng khoảng 2 tấn/năm, thì tổng sản lượng có thể đạt 800.000 tấn" 

Ông cho biết, nông dân Trung Quốc đang tái cấu trúc các ao nuôi cũ bằng hệ thống mương vốn chỉ được sử dụng cho tôm thẻ chân trắng. 

“Việc này tương đối nhanh chóng, họ nói rằng họ đang thực hiện khoảng 100.000 mương mới mỗi năm. Vì vậy, ước tính 200.000 tấn tôm thẻ chân trắng được bổ sung mỗi năm.”

McIntosh cho biết Quảng Đông là nơi có nhiều “đường đua” nhất và mô hình này cũng đang lan rộng ở các tỉnh khác. Đại diện của C.P cho biết hệ thống mương này chỉ được sử dụng để sản xuất tôm thẻ chân trắng.

 “Các mương nuôi đang hướng đến mục tiêu tôm thẻ chân trắng có mật độ dày hơn và phát triển nhanh. Mô hình này dường như có thể bảo vệ vụ nuôi tôm tốt hơn các ao khác”. 

Đối với Ecuador, McIntosh cho biết có những báo cáo về mức độ vi khuẩn Vibrio cao hơn trước đây, điều này gây ra một số vấn đề. 

"Tôi nghĩ rằng nhiều người đang bắt đầu nhận thấy một số sự suy thoái trong môi trường nuôi tôm ở Ecuador.” 

Đối với các công ty chế biến, chi phí năng lượng, nhân công và chế biến ngày một cao hơn. Ông nói: “Tôi nghĩ phần lớn các tập đoàn trang trại nuôi tôm của Ecuador đang hòa vốn. Vì vậy, họ cũng không thể tiếp tục như vậy. Và điều đó sẽ khuyến khích họ bắt đầu giảm sản lượng”.

Sau đó, các công ty ở Ecuador gặp phải nhiều vấn đề  trong đó có tình trạng gia tăng tội phạm có tổ chức ở nước này, “khiến các trang trại phải trả giá đắt, ” ông nói. 

 

H.Mĩ

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).