|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản lượng giảm 10% nhưng vì sao giá tiêu vẫn chưa thể bứt lên?

17:01 | 26/04/2022
Chia sẻ
Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá hồ tiêu trong quý I giảm do trùng với vụ thu hoạch cao điểm của Việt Nam và một số nước sản xuất khác, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 81% do tình trạng đóng cửa đường biên giới.

Báo cáo quý I của VPA cho biết, vụ thu hoạch Hồ tiêu của Việt Nam đã cơ bản kết thúc với sản lượng giảm khoảng 10% so với năm 2021.

Tại Đăk Nông nơi chiếm khoảng 45% sản lượng Hồ tiêu của Việt Nam tuy có sự khác biệt giữa các vùng thu hoạch như được mùa ở các huyện Đăk Song, Đăk R’lap, Tuy Đức và mất mùa ở Đăk Mil, Đăk Glong, Cư Jut, tuy nhiên đánh giá chung sản lượng tại Đăk Nông tăng 10% so với năm ngoái.

Trong khi đó tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm còn lại như Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu sản lượng giảm bình quân 20% so với năm 2021, nguyên nhân chủ yếu vẫn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều vườn tiêu già đã quá tuổi kinh doanh nên năng suất thấp và dịch bệnh trên cây tiêu vẫn chưa có thuốc đặc trị.

Từ cuối quý 4 năm 2021, giá tiêu liên tục dao động trong khoảng trên dưới 80.000 đồng/kg và kéo dài đến qua Tết Nguyên đán 2022 (7/2) trước khi tăng lên 86.500 đồng/kg, mức cao nhất từ đầu năm 2022 vào giữa tháng 2 (17/2).

Tuy nhiên, ngay sau đó giá giảm trở lại bình quân mỗi tuần giảm 1.000-2.000 đồng và hiện đang đứng ở mức 77.000 đồng/kg.

Theo VPA, giá giảm trong quý I do trùng với vụ thu hoạch cao điểm của Việt Nam và một số nước sản xuất khác nên nguồn cung khá dồi dào. Và một nguyên nhân khác giá giảm là do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 81% do tình trạng đóng cửa đường biên giới.

 Số liệu tổng hợp: Hoàng Hiệp

Đồng thời VPA cho biết mức giá này nếu so với cùng kỳ năm 2021 thì có tăng 10%, tuy nhiên giá phân bón tăng gần gấp đôi so với năm trước, cùng với đó là giá nhân công, xăng dầu... đã bào mòn hết lợi nhuận của người nông dân trồng tiêu.

Các doanh nghiệp cũng chịu nhiều ảnh hưởng không kém khi giá logistics tiếp tục đứng ở mức cao trong suốt nhiều tháng. Thêm vào đó, việc áp dụng thu phí cảng biển của TP HCM từ ngày 1/4/2022 càng khiến khó khăn của doanh nghiệp thêm chồng chất.

Trong quý I, Việt Nam xuất khẩu được 54.615 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch 254,4 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu giảm 11,3% tương đương 6.969 tấn tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 41% tương đương 74 triệu USD.

Triển vọng nào cho thị trường trong thời gian tới?

Nhận định về thị trường hồ tiêu trong thời gian tới, VPA cho biết sản lượng hồ tiêu toàn cầu 2022 tiếp tục giảm và chạm mức thấp nhất trong nhiều năm qua, đặc biệt là sản lượng ở Việt Nam giảm năm thứ 3 liên tiếp đã kéo theo giá hồ tiêu tăng so với năm trước. Cán cân cung cầu năm 2022 chuyển dần về trạng thái cân bằng.

Tuy nhiên, nếu không có sự tham gia mạnh của yếu tố đầu cơ thì mức tăng giá có thể không mạnh do tổng lượng tồn và sản xuất vẫn đủ đáp ứng nhu cầu.

Đồng thời, kỳ vọng giá tăng đang khuyến khích nông dân chăm sóc và đầu tư vườn tiêu, do đó nếu điều kiện thời tiết thuận lợi thì sản lượng hồ tiêu có khả năng tăng ở Việt Nam và Brazil trong năm sau.

Xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát và lãi suất ngân hàng cũng theo chiều hướng tương tự. Sự gia tăng lãi suất ngân hàng và các chi phí kho bãi gây bất lợi cho việc đầu cơ dài hạn. Đây cũng là những yếu tố góp phần thúc đẩy giá tăng trong thời gian tới.

Áp lực giá xăng dầu làm cho chi phí vận tải đường biển đang neo ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn, chưa kể tình trạng kẹt cảng, thiếu container vẫn còn tiếp diễn. Theo thông báo mới nhất của Hãng tàu ONE, từ tháng 3/2022 giá cước đi châu Âu (đang vào khoảng 7.300 USD cho mỗi container 20 feet) sẽ tăng thêm từ 800 - 1.000 USD.

Dự báo giá xăng dầu từ nay đến cuối năm vẫn còn tăng khi chiến sự Nga và Ukraine vẫn còn diễn ra căng thẳng, do đó VPA khuyến cáo các doanh nghiệp cần thận trọng trong việc đàm phán ký kết hợp đồng trể tránh rủi ro trong việc giá cước vận tải tăng đột biến. 

Đồng thời, VPA cũng cho rằng môi trường kinh tế vĩ mô ở các nước Nam Á, Trung Đông có nhiều bất lợi, nhất là vấn đề tiền tệ, cần cẩn trọng khi giao dịch.

Sản xuất hồ tiêu Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục gặp bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với các nguyên nhân khách quan như sốt giá đất, giá phân, giá thuốc và nhân công tăng. Trong khi đó, quốc gia cung cấp Hồ tiêu lớn thứ 2 toàn cầu - Brazil vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng tốt cả về số lượng và giá trị xuất khẩu.  

Sự kiên định của Trung Quốc trong việc thực hiện chính sách “Zero Covid” không chỉ khiến chuỗi cung ứng nội địa đứt gãy mà còn tác động đến giá hồ tiêu Việt Nam trong thời gian tới khi xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc dự báo tiếp tục giảm, đồng thời một số lô hàng hồ tiêu đang bị kẹt ở cửa khẩu có thể sẽ bị bán ngược lại Việt Nam để cắt lỗ sẽ gây áp lực lên giá tiêu trong nước.

Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn vận tải biển có thể trở nên trầm trọng hơn sau khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế của Trung Quốc được nới lỏng bởi sẽ có sự bùng nổ lượng hàng hóa vận chuyển, từ đó tạo sức ép lớn đối với giá cước giao ngay.

Mặc dù vậy, hầu hết các quốc gia đã trở lại bình thường và sống an toàn với Covid. Các chuyến bay quốc tế đã được nối trở lại và các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phục hồi kinh tế.

Do đó, các chương trình XTTM cũng được kỳ vọng sẽ được thực hiện như kế hoạch trong năm 2022 sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với khách hàng sau 2 năm bị gián đoạn.

Hoàng Hiệp

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.