|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường hồ tiêu quý I/2022: Nhiều áp lực đè nặng lên giá hồ tiêu

07:00 | 24/04/2022
Chia sẻ
Trái ngược với sự nhộn nhịp ở thời điểm đầu vụ thu hoạch, từ giữa tháng 2 đến nay thị trường hồ tiêu trong nước khá trầm lắng do Trung Quốc tiếp tục kiên trì với chính sách "Zero COVID", trong khi căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine càng khiến áp lực đè nặng lên giá.

Trong quý I, giá hồ tiêu tại các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam Bộ có khá nhiều biến động.

Giá tiêu tăng mạnh lên mức 84.000 – 87.000 đồng/kg vào giữa tháng 2 và đặc biệt sôi động sau Tết Nguyên Đán do các hoạt động thông quan tại các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc, một trong những thị trường tiêu thụ hồ tiêu hàng đầu của nước ta được nối lại, không còn ách tắc như thời điểm trước Tết.

Tuy nhiên, sau đó giá đã giảm trở lại do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch mới và Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh khiến cho quá trình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu diễn ra chậm và khó khăn hơn. Được biết phần lớn lượng hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga và Ukraine từ cuối tháng 2 cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường hồ tiêu, dù đây không phải là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Với những diễn biến này giá tiêu đã giảm 7.000 đ/kg, xuống còn 77.000 – 80.000 đồng/kg và có chuỗi ngày đi ngang kéo dài trong suốt tháng 3 vừa qua.

Mặc dù vậy, điểm tích cực là giá tiêu trong giai đoạn thu hoạch cao điểm năm nay vẫn cao hơn khoảng 5.000 – 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, không giống như những năm trước, năm nay chi phí sản xuất, từ phân bón, xăng dầu, công thu hái tăng cao nên người trồng tiêu chỉ bán một số lượng nhỏ đủ để trang trải chi phí tạm thời và ưu tiên giữ lại hàng, đợi giá cao hơn mới bán ra.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu 53.778 tấn hồ tiêu trong quý I, trị giá 250,8 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 12,1% về lượng tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 40,3%.

Trong đó, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Mỹ, EU, Ấn Độ tăng trưởng khả quan, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nga và Ukraine lại giảm mạnh.

Trên thị trường quốc tế, khối lượng hồ tiêu xuất khẩu cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh ở hầu hết nhà cung cấp lớn trong những tháng đầu năm 2022 như Brazil giảm 20,1%, Indonesia giảm 36,2% và Ấn Độ giảm 14,6%.

 Xuất khẩu hồ tiêu của một số nước trong năm 2022. (Tổng hợp: Hoàng Hiệp)

Thông thường xuất khẩu hồ tiêu thường sẽ tăng vào quý II sau khi vụ thu hoạch kết thúc, do đó thị trường dự kiến sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.

Nhưng giá hồ tiêu được cho là sẽ phụ thuộc nhiều vào các biện pháp chống dịch của Trung Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, giao thương thuận lợi sẽ thúc đẩy giá tăng trở lại.

Ngược lại, nếu tình hình tiếp tục không khả quan, giá có thể đi ngang hoặc giảm cho dù nhu cầu từ các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Ấn Độ vẫn tương đối tốt.

Ngoài ra, lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia do tác động của cuộc xung đột Nga và Ukraine có thể ảnh hưởng phần nào đến sức tiêu dùng hàng hóa nói chung và hồ tiêu nói riêng.

 Xem chi tiết báo cáo hồ tiêu quý I/2022 tại đây:  

Hoàng Hiệp - Thiết kế: Alex Chu