Sản lượng dầu thô của OPEC tăng tháng thứ hai liên tiếp
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC trong tháng 9 đã tăng tháng thứ hai liên tiếp. Dẫn đầu xu hướng tăng này là Nigeria và Iran bất chấp việc Arab Saudi và các thành viên khác của liên minh OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng để hỗ trợ thị trường.
Cuộc khảo sát cho thấy tháng 9, OPEC đã bơm 27,73 triệu thùng/ngày, tăng 120.000 thùng/ngày so với tháng 8. Sản lượng trong tháng 8 tăng lần đầu tiên kể từ tháng 2.
Nigeria dẫn đầu trong việc gia tăng sản lượng trong tháng 9. Quốc gia này đang phải vật lộn với tình trạng trộm cắp dầu thô và bất ổn tại khu vực sản xuất dầu mỏ. Iran cũng tăng cường nguồn cung bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, với sản lượng đạt mức cao nhất kể từ năm 2018.
Lượng dầu thô xuất khẩu của Nigeria tăng 110.000 thùng/ngày trong tháng 9. Đất nước này đang đặt mục tiêu phục hồi hơn nữa vào năm tới.
Cuộc khảo sát cho thấy mức tăng lớn thứ hai đến từ Iran với 3,15 triệu thùng/ngày. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2018, thời điểm Washington tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran.
Sản lượng từ 10 thành viên OPEC tuân theo thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của đã tăng 80.000 thùng/ngày. Arab Saudi và các thành viên vùng Vịnh khác duy trì sự tuân thủ mạnh mẽ với mức cắt giảm đã thỏa thuận. Một số quốc gia tự nguyện giảm sản lượng bổ sung.
Nhà xuất khẩu hàng đầu Arab Saudi giữ sản lượng tháng 8 và tháng 9 ở mức gần 9 triệu thùng/ngày. Nước này gia hạn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày để hỗ trợ thêm cho thị trường.
Iraq và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng nhẹ sản lượng, trong khi nguồn cung của Angola cho thấy mức giảm lớn nhất trong nhóm 50.000 thùng/ngày do xuất khẩu giảm..
Hồi tháng 7, khi Arab Saudi tuyên bố cắt giảm sản lượng bổ sung, thị trường năng lượng hầu như không phản ứng. Nhà đầu tư đều đang bận tâm đến nhu cầu của Trung Quốc và Mỹ.
Hơn hai tháng sau, mọi chuyện có vẻ rất khác. Đầu tháng 9, Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết việc giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày sẽ được kéo dài “thêm ba tháng đến hết tháng 12/2023”.
Tương tự, trong một thông báo, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moscow cũng sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm 300.000 thùng/ngày đến hết năm nay.
Tới lúc này, các cơ quan dự báo dần chuyển sự chú ý sang phía cung. Họ phát hiện nguồn cung dầu thô đã thắt chặt hơn nữa do nhu cầu quá mạnh mẽ và động thái của hai ông lớn năng lượng đã làm trầm trọng thêm sự mất cân đối. Điều này đã đẩy giá dầu thô tăng mạnh.
Giá dầu Brent chạm đỉnh 11 tháng hôm 24/9 khi đóng cửa ở mức 95 USD/thùng.