Sản lượng cà phê Ấn Độ có thể giảm 33% trong năm 2020
Sản lượng cà phê Ấn Độ có thể giảm 33% trong năm nay
Mưa lớn và liên tục từ tháng 8 đến tháng 10 tại các khu vực đồn điền Chikmagalur, Kodagu và Hassan đã gây ra lở đất, lũ lụt và cuốn trôi các đồn điền cà phê, phá hủy cơ sở hạ tầng và khiến hạt cà phê non rụng.
Theo ước tính sơ bộ, sản lượng cà phê dự kiến sẽ giảm ít nhất 30 - 35%, ông MB Ganapathy, Chủ tịch Hiệp hội trồng trọt bang Karnataka (KPA) cho biết.
Bang Karnataka chiếm 70% sản lượng cà phê của Ấn Độ.
Trong năm 2018 - 2019, sản lượng cà phê ở mức 319.000 tấn, gồm 95.000 tấn cà phê arabica và 224.000 tấn cà phê robusta, theo KPA.
Ông Ganapathy cho biết sản lượng cà phê arabica có thể bị thu hẹp nữa, khoảng 70.000 tấn trong năm nay. Ngoài những cơn mưa lớn, sự bùng phát của bệnh sâu đục thân trắng (WSB) vào đầu năm đã tấn công mạnh vào các đồn điền, gây tổn hại đến sản lượng.
Hơn nữa, khu vực trồng cà phê arabica bị thu hẹp khoảng 1/10 mỗi năm. Ngoài cà phê, người trồng cũng bị thiệt hại về hồ tiêu, được trồng xen với cây cà phê, do mưa quá nhiều.
Ông Ganapathy cho biết khủng hoảng trong ngành trồng trọt tăng mạnh vào năm nay khi người trồng tiếp tục quay cuồng dưới tác động của chi phí đầu vào tăng, giá thấp và thời tiết bất ổn, làm tổn hại đến sản lượng.
Lượng mưa trên các khu vực trọng điểm vượt quá 50% so với bình thường, theo ông Shirish Vijayendra, Phó chủ tịch KPA.
Khoảng 1.600 ha rừng trồng đã bị hư hại do lượng mưa năm ngoái và diện tích tương tự cũng bị ảnh hưởng bởi những cơn mưa chưa từng có trong năm nay.
Việc đánh giá chính thức về thiệt hại do những cơn mưa gây ra vẫn chưa hoàn tất và các chủ đồn điền đang tìm kiếm một khoản bồi thường trị giá 180.000 rupee/mẫu cho những thiệt hại phải chịu.
AL RM Nagappan, Chủ tịch Hiệp hội những người trồng ở Nam Ấn Độ cho biết khoảng 8 - 10% tổng diện tích trồng đã bị mất do lở đất và lũ lụt trong 2 năm qua.
Những tổn thất do cơ sở hạ tầng và tổn thất doanh thu không thể phục hồi. Trong khi đã có một số hỗ trợ được cung cấp cho việc mất mùa, người trồng vẫn chưa nhận được khoản đền bù cho việc mất đất trồng, ông Ganapathy bày tỏ.
Ngành trồng trọt đã phải gánh chịu hai năm hạn hán và hai năm lũ lụt liên tiếp trong 4 năm qua và không có hỗ trợ đáng kể nào từ chính phủ.
Ông Ganapathy cho biết nhà nước nên giải quyết các vấn đề mà ngành trồng trọt phải đối mặt mà sinh kế của hơn 5.000 người phụ thuộc vào và giúp ngành công nghiệp bền vững.
Các chủ đồn điền cũng đang tìm kiếm những khoản vay miễn lãi đối với mùa vụ cà phê vào ngày 31/3.