Sản lượng bông niên vụ 2020/21 tại Mali ước giảm đến 77%
Thương vụ Việt Nam tại Algeria (Bộ Công Thương) cho biết theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm nay, những người trồng bông tại Mali đã quay lưng lại với cây trồng này do giá bán thấp trong khi chi phí phân bón tăng cao.
Diện tích trồng bông có thể chỉ còn 170 000 ha trong niên vụ 2020/21 trong khi vụ trước con số này là 735 000 ha, tức giảm hơn 4 lần. Hậu quả là sản lượng bông có thể sụt giảm 77%, chỉ đạt 310 000 kiện (1 kiện có trọng lượng khoảng 450 kg) trong khi mùa vụ 2019/2020, sản lượng lên tới 1,35 triệu kiện.
Nông dân, đặc biệt là ở các vùng Koutiala và Sikasso đã bỏ trồng bông để quay sang trồng các loại cây khác như kê, lúa miến, ngô, đậu tương…
Mặt khác, xuất khẩu bông của Mali cũng đã giảm 52% niên vụ 2019/20 do cầu thế giới sụt giảm vì đại dịch COVID-19 làm cho lượng bông dự trữ ước tính lên tới 461 000 kiện. Dự báo, mùa vụ 2020/2021, xuất khẩu sẽ phục hồi song cũng chỉ đạt 300 000 kiện, tức là giảm khoảng 66%.
Mali là quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu một số loại nông sản, nhất là bông. Bông được trồng trên diện tích 740.000 ha, nuôi sống hơn 3 triệu người. Sản lượng bông của Mali lên tới 700.000 tấn/năm (1,36 triệu bao) trong đó gần như toàn bộ dành cho xuất khẩu (1,33 triệu bao).
Công ty Phát triển bông, sợi Mali (CMDT) là công ty Nhà nước thành lập năm 1974 để quản lí ngành bông. CMDT phụ trách việc tổ chức sản xuất và kinh doanh bông trên toàn lãnh thổ Mali.
Ngoài đại dịch COVID-19 thì Mali hiện nay còn chịu cấm vận của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) sau khi xảy ra cuộc đảo chính tại nước này hồi tháng trước.
ECOWAS đã tuyên bố đóng cửa biên giới trên bộ, trên không cũng như ngừng mọi giao dịch kinh tế, thương mại và tài chính giữa 14 nước thành viên với Mali, đồng thời kêu gọi các đối tác cũng làm như vậy.
Tổ chức này cũng cho biết đã tạm thời loại Mali khỏi các cơ quan hoạch định chính sách của ECOWAS.
Sau quyết định trên, Ngân hàng các quốc gia Tây Phi (BCEAO) đã có thư gửi các ngân hàng, cơ sở tài chính trực thuộc yêu cầu tạm ngừng giao dịch với Mali.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2019, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Mali đạt 28,49 triệu USD, trong đó bông chiếm tới 28 triệu USD.