|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp: Tăng thanh khoản, giảm rủi ro

22:15 | 11/07/2023
Chia sẻ
Sàn giao dịch trái phiếu thứ cấp (thị trường giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ) được dự kiến vận hành trong tháng 7/2023. Việc vận hành sàn giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ được cho là cần thiết, có tác động lâu dài, tăng thanh khoản và minh bạch thị trường.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết đang hoàn thiện những bước cuối cùng đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào hoạt động và đưa khoảng 1.600 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên giao dịch.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, hệ thống giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ hoạt động là cần thiết và đáng ra phải thực hiện sớm hơn. Trái phiếu riêng lẻ phát hành cần có thị trường mua đi bán lại, việc này giúp những trái chủ không muốn nắm giữ lâu dài có thể bán trái phiếu cho người khác.

Như vậy, việc vận hành thị trường giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ sẽ giúp trái phiếu lưu thông dễ dàng và định giá sát hơn. Từ đó, doanh nghiệp phát hành phải đề cao hơn giá trị, uy tín và chất lượng trái phiếu.

Người mua trái phiếu có thể chuyển đổi nhanh chóng, trái phiếu có sự linh hoạt, cơ động, đồng thời tính an toàn cũng được đảm bảo hơn.

Ông Thịnh cho rằng, thị trường giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ được vận hành có tác động lâu dài tới thị trường, còn trước mắt chưa thể tạo ra đột biến về thanh khoản, đặc biệt là các trái phiếu đã phát hành trước đây thì rõ ràng tính an toàn chưa được đầy đủ và cần tiếp tục xử lý.

Thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn và trong ngắn hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể có những chuyển biến rõ rệt.

Theo ông Nguyễn Bá Khương, chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), hoạt động phát hành riêng lẻ vẫn trầm lắng.

Theo số liệu tổng hợp của VNDIRECT, trong quý II/2023 có 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công, với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 19.281 tỷ đồng, giảm 34,4% so với quý I/2023 và giảm 83,1% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó có 28 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 17.281 tỷ đồng, chiếm 89,6% tổng giá trị phát hành. Có 1 đợt phát hành ra công chúng với giá trị phát hành là 2.000 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng giá trị phát hành (số liệu của VNDIRECT được tổng hợp trên trang thông tin của HNX công bố tới ngày 05/07/2023).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành đạt khoảng 48.687 tỷ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt 42.787 tỷ đồng, giảm 75,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị phát hành công chúng đạt 5.900 tỷ đồng, giảm 15,9% so với cùng kỳ.

Bất động sản là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong quý II/2023 khi chiếm hơn 34,9% tổng giá trị phát hành, theo sau là nhóm ngân hàng chiếm 29% tổng giá trị phát hành, nhóm tập đoàn đa ngành và nhóm logistics chiếm lần lượt là 10,4% và 8,5%, các nhóm ngành nghề khác chiếm 17,2%.

Các doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong quý II/2023 bao gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo phát hành 2.600 tỷ đồng, với lãi suất 9%/năm kỳ hạn 60 tháng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển kinh doanh xây dựng 3 phát hành 2.250 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 14%/năm kỳ hạn 60 tháng.

Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản TMT phát hành 2.015 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 13,75% kỳ hạn 84 tháng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Tp. Hồ Chí Minh phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 9,1% kỳ hạn 84 tháng.

Sau một số đợt phát hành có giá trị cao trong tháng 3 (thời điểm ngay sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được ban hành), hoạt động phát hành riêng lẻ trong quý II/2023 lại trầm lắng.

VNDIRECT cho rằng, niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh còn nhiều tổ chức phát hành đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh, khó khăn về dòng tiền dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn là nguyên nhân chính khiến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiepj vẫn còn trầm lắng trong quý II/2023.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục kéo dài. Thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục trầm lắng sẽ tạo nên điểm nghẽn đối với sự luân chuyển các dòng vốn của nền kinh tế, khiến đầu tư co hẹp qua đó làm chậm quá trình phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu tiếp tục tăng lên.

Theo VNDIRECT, đến ngày 26/6/2023, có khoảng 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.

VNDIRECT ước tính, tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này vào khoảng 159,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Khoảng hơn 43,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,6% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Thực tế, sau vụ việc xảy ra tại Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát và hàng loạt doanh nghiệp lớn không trả được gốc, lãi trái phiếu đúng hạn, khiến nhà đầu tư trái phiếu mất niềm tin vào thị trường.

Do đó, việc vận hành sàn giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ khiến nhiều nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu vui mừng. “Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ vận hành là thông tin tích cực, tôi sẽ mua bán trái phiếu dễ dàng hơn”, nhà đầu tư trái phiếu Nguyễn Văn Hanh chia sẻ

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), ông Đỗ Bảo Ngọc, thị trường trái phiếu Việt Nam thiếu một thị trường giao dịch thứ cấp tập trung và đáng lẽ ra thị trường này phải được vận hành từ lâu.

Ông Ngọc nhận định, thị trường trái phiếu riêng lẻ hoạt động sẽ là yếu tố phát triển thị trường Việt Nam trong dài hạn, làm cho thanh khoản giao dịch trái phiếu tăng cao.

Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế. Qua đó, có thêm một kênh huy động vốn chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Đáng chú ý, chúng ta dần có một hệ thống tài chính chuyên nghiệp hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó thu hút thêm vốn ngoại. Doanh nghiệp cũng buộc phải chuyên nghiệp hơn khi muốn huy động vốn trên thị trường trái phiếu.

Vị chuyên gia cho rằng, việc xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải phù hợp với thực tế giao dịch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và kinh nghiệm tổ chức thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp niêm yết của HNX.

Việc quản lý tập trung giao dịch và thông tin của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tương lai.

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp vận hành, cùng với việc phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm sẽ là các yếu tố thay đổi nền tảng giúp kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể vận hành theo đúng nguyên tắc và mục tiêu mong muốn, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp.

Theo Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Tạ Thanh Bình, khi thị trường vận hành, công ty chứng khoán thành viên sẽ kiểm soát hiệu quả hơn thành phần nhà đầu tư tham gia, đúng nghĩa là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Thị trường trái phiếu thứ cấp mới tăng sự minh bạch trái phiếu doanh nghiệp và tăng tiếp cận từ đơn vị phát hành tới nhà đầu tư. Qua đó, nâng cao chất lượng thanh toán, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo HNX, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đi vào vận hành góp phần giúp doanh nghiệp phát hành chuyên nghiệp, theo khuôn khổ pháp lý, có sự tham gia quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng.

Qua đó, tạo ra một thị trường giao dịch an toàn, hiệu quả cho nhà đầu tư, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của doanh nghiệp.

Đồng thời, nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư trong hoạt động mua, bán trái phiếu và thúc đẩy sự phát triển đồng bộ cho cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam.

Văn Giáp