|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Gần 2.700 tỷ đồng nợ trái phiếu BNP Global: Trái chủ yêu cầu bán tài sản bảo đảm hơn 58,7 triệu cổ phiếu SGB; không đồng ý giãn lịch thanh toán

11:41 | 04/07/2023
Chia sẻ
Trong năm 2021, BNP Global đã phát hành hai lô trái phiếu có tổng giá trị 2.600 tỷ đồng và đáo hạn vào đầu tháng 6 năm nay. Số trái phiếu này được bảo đảm bằng cổ phần của một ngân hàng và một doanh nghiệp bất động sản và tài sản bảo đảm được thế chấp tại SCB vào thời điểm phát hành trái phiếu.

CTCP Bất động sản BNP Global có hai lô trái phiếu chưa thanh toán với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng. Tổng số tiền gốc và lãi chưa thanh toán của hai lô trái phiếu này đến nay gần 2.700 tỷ đồng.

Theo văn bản công bố của BNP Global, công ty đang đàm phán với trái chủ về yêu cầu bán tài sản bảo đảm đối với lô trái phiếu BNPCH2123001 (500 tỷ đồng). Đối với lô trái phiếu BNPCH2123002 (2.100 tỷ đồng), người sở hữu trái phiếu không đồng ý đàm phán giãn lịch thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn và công ty đang tiếp tục thương thảo.

Lô trái phiếu BNPCH2123001 (500 tỷ đồng) do CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thu xếp cho BNP Global phát hành vào ngày 7/6/2021 và đáo hạn vào ngày 7/6/2023. Lãi suất trái phiếu ở năm đầu tiên là 10,3% mỗi năm; lãi suất ở năm thứ hai bằng tổng 4,7%/năm và lãi suất tham chiếu. Trái chủ được công bố là một tổ chức tín dụng trong nước.

Tài sản bảo đảm là toàn bộ hơn 58,7 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, mã: SGB) và số cổ phần này được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vào thời điểm phát hành trái phiếu. Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có số dư tiền trị giá 6,8 tỷ đồngtrong tài khoản dự phòng trả nợ của BNP Global.

Số tiền thu được từ đợt chào bán được dùng để hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Thành phố Aqua City để phát triển dự án Aqua City (xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Còn lô trái phiếu BNPCH2123002 (2.100 tỷ đồng) được phát hành trong giai đoạn 4/10-30/12/2021 và đáo hạn vào ngày 4/6/2023. Các thông tin còn liên quan đến đợt phát hành bao gồm lãi suất, mục đích, tài sản bảo đảm, trái chủ,… không được công bố.

Theo thông tin chúng tôi có được, lô trái phiếu 2.100 tỷ đồng của BNP Global được bảo đảm bằng 53,4 triệu cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) và tại thời điểm phát hành trái phiếu, số cổ phần này được thế chấp tại SCB.

Hồi đầu tháng 2, BNP Global đã có công văn gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ban kiểm soát và ban điều hành SCB cùng SCB chi nhánh Sài Gòn (với vai trò là tổ chức nhận tài sản bảo đảm và tổ chức quản lý tài khoản) để cung cấp thông tin liên quan đến việc giải chấp, xóa đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản bảo đảm của hai lô trái phiếu.

Theo công văn của BNP Global, “SCB đã và đang chậm trễ tiến hành các thủ tục giải chấp và xóa đăng ký giao dịch bảo đảm là cổ phần SGB và NVL. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch chuyển nhượng tài sản bảo đảm của tổ chức phát hành và các bên bảo đảm, từ đó ảnh hưởng lớn đến khả năng tìm nguồn trả nợ gốc lại khi đến hạn thanh toán của các trái phiếu vào tháng 6/2023 cho những người sở hữu trái phiếu”.

BNP Global đề nghị Thống đốc NHNN, Ban kiểm soát và ban điều hành SCB đưa ra các hướng dẫn và chỉ đạo kịp thời để SCB phối hợp với BNP Global, các bên bảo đảm có liên quan sớm triển khai thực hiện và hoàn tất các công việc liên quan đến giải chấp và xóa đăng ký giao dịch bảo đảm đối với cổ phần SGB và NVL.

Đồng thời, BNP Global đề nghị SCB có phản hồi bằng văn bản cho công ty và TVSI về kế hoạch, thủ tục và tiến độ thực hiện các công việc để các bên có liên quan cùng phối hợp và để BNP Global có cơ sở phản hồi cho người sở hữu trái phiếu.

Theo thông tin từ Báo Đầu tư, ngày 4/4, NHNN đã có công văn phản hồi trái chủ rằng: Việc quản lý tài sản đảm bảo cho trái phiếu là giao kết dân sự giữa các bên liên quan theo hợp đồng đã ký. Nội dung mà trái chủ phản ánh lên NHNN thuộc trách nhiệm giải quyết của SCB, TVSI và các bên liên quan. Vì vậy, trái chủ cần làm việc với các đơn vị này, nếu không giải quyết được thì có thể khởi kiện ra tòa án.

Hồng Vịnh