|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

43.000 tỷ đồng TPDN huy động trong 6 tháng, gần 81.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn nửa cuối năm

21:10 | 05/07/2023
Chia sẻ
Nửa cuối năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 158.500 tỷ đồng, chiếm 51% số đó thuộc nhóm bất động sản, theo sau là nhóm ngân hàng với 17,2%.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam - VBMA (tổng hợp từ HNX và SSC), tính đến ngày công bố thông tin 30/6, có 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ được ghi nhận trong tháng 6 với tổng giá trị 8.170 tỷ đồng.

Bất động sản là nhóm ngành với khối lượng phát hành lớn nhất trong tháng với tổng giá trị phát hành là 3.880 tỷ đồng (chiếm 47,5%), theo sau là nhóm ngân hàng với 2.890 tỷ (chiếm gần 35,4%).

Lũy kế từ đầu năm đến 30/6, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 42.783 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 12,9% tổng giá trị phát hành) và 35 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 37.262 tỷ đồng (chiếm 87,1%).

Tính đến ngày công bố thông tin 30/6, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 31.591 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 6. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến 30/6 đạt 110.448 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 158.500 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 80.952 tỷ đồng, chiếm 51%, theo sau là nhóm ngân hàng với 27.261 tỷ đồng, chiếm 17,2%.

 Nguồn: VBMA.

Ngày 5/3/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP (NĐ08) nhằm tháo ngỡ khó khăn cho thị trường TPDN. Kể từ thời điểm Nghị định 08 được ban hành hoạt động đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu giữa các tổ chức phát hành (TCPH) và các trái chủ diễn ra sôi động. Nhiều TCPH đã đạt được kết quả đàm phán với trái chủ về việc gia hạn kỳ hạn trái phiếu.

Theo tổng hợp của Chứng khoán VNDirect, tính đến ngày 19/6 đã có trên 30 TCPH đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn là khoảng hơn 42.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nhiều TCPH vẫn đang khó khăn trong hoạt động kinh doanh và dòng tiền, việc có thể đàm phán gia hạn thêm kỳ hạn các trái phiếu sắp đến hạn sẽ giúp các TCPH này có thời gian để phục hồi hoạt động và tạo ra đủ dòng tiền để chi trả cho các khoản nợ trái phiếu của mình.

Mặc dù Nghị định 08 được ban hành đã tháo ngỡ một số điểm nghẽn cho thị trường TPDN, tuy nhiên trong bối cảnh niềm tin của các nhà đầu tư chưa trở lại, hoạt động phát hành TPDN vẫn trầm lắng trong nửa đầu năm 2023.

Trong bối cảnh khó khăn về dòng tiền, danh sách các TCPH chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên, theo tổng hợp của Chứng khoán VNDirect hiện có khoảng 59 TCPH chậm thanh toán nợ trái phiếu đến hạn, tổng dự nợ TPDN của 59 TCPH này là khoảng hơn 159.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dự nợ trái phiếu toàn thị trường, và phần lớn trong số các TCPH này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.

Điểm quan ngại của việc đăng ký, lưu ký và giao dịch trái phiếu riêng lẻ

Ngày 17/5, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 30/2023/TT-BTC hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký và giao dịch trái phiếu riêng lẻ (TPRL) tại thị trường trong nước, hiệu lực từ 1/7/2023.

Quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường TPRL thứ cấp, đồng thời tăng tính minh bạch và chuẩn hóa của thị trường này.

Bên cạnh đó, theo tổng hợp ý kiến của các thành viên VBMA, quy định thời hạn 3 tháng tính từ 16/6/2023 để hoàn thành thủ tục đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch TPRL còn dư nợ được phát hành theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP là một trong những điểm quan ngại của thành viên thị trường, cần các hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý để đảm bảo thực hiện quy định trong thực tế.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) kỳ vọng việc này sẽ đóng góp một phần trong việc tháo gỡ nút thắt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.

Khi thị trường được vận hành, các công ty chứng khoán thành viên sẽ là thành tố rất quan trọng trong việc kiểm soát tốt các nhà đầu tư (đúng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp). Ngoài ra, làm tăng tính minh bạch cho thị trường, tăng tiếp cận từ phía doanh nghiệp phát hành cho các nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu, đặc biệt nâng cao chất lượng thanh toán, giảm thiểu rủi ro liên quan cho các nhà đầu tư.

Hoàng Kiều

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.