|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sàn giao dịch Binance khởi động lại kế hoạch thâu tóm Voyager

23:39 | 17/11/2022
Chia sẻ
Thông tin được đưa ra sau khi Voyager hủy bỏ thương vụ với sàn giao dịch tiền kỹ thuật số FTX, sàn giao dịch tiền số lớn thứ 3 thế giới vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ.

 Binance và Voyager chưa đưa ra bình luận gì về kế hoạch thâu tóm. (Nguồn: Reuters).

Ngày 17/11, CoinDesk (trang tin tức chuyên về bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số) cho biết sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Binance cơ sở tại Mỹ đang khởi động lại thương vụ mua lại sản giao dịch tiền số Voyager Digital bị phá sản.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Voyager hủy bỏ thương vụ mua lại công ty này của sàn giao dịch tiền kỹ thuật số FTX đã sụp đổ. Hiện Binance và Voyager chưa đưa ra bình luận gì.

Trước đó, hồi tháng Chín, báo Wall Street Journal cho biết Binance và FTX là 2 sàn giao dịch tiền số trả giá cao nhất để thâu tóm Voyager.

Tại cuộc đấu giá sau đó, FTX đã giành được Voyager với giá 1,42 tỷ USD. Tuy nhiên, ngày 16/11, Voyager cho biết thương vụ này không thể tiếp tục và đang tiến hành thảo luận với một số đối tác khác sau khi FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tuần trước.

FTX là sàn giao dịch tiền số lớn thứ 3 thế giới, sau Binance và Coinbase.

Ngày 11/11, FTX cho biết đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ sau khi không thể đạt được một thỏa thuận giúp công ty này giải quyết khó khăn tài chính.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành FTX, Sam Bankman-Fried, cũng đã từ chức.

Thông tin được công bố sau khi sàn giao dịch Binance xác nhận sẽ không tiến hành thương vụ mua lại FTX, khiến thị trường tiền kỹ thuật số lao dốc, với giá đồng bitcoin rơi xuống mức thấp kỷ lục trong 2 năm.

Tương tự như Binance, sàn giao dịch OKX cũng từ chối hỗ trợ, với lý do khoản nợ của FTX là một vấn đề lớn.

Sự sụp đổ của FTX đã gây ảnh hưởng đến gần 1 triệu khách hàng và một số nhà đầu tư khi họ phải đối mặt với các khoản lỗ hàng tỷ USD.

Trần Quyên

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.