|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Samsung vẫn đang tụt lại phía sau TSMC trong cuộc đua bán dẫn dù đi đầu thế giới về tiến trình 3 nanometer

14:00 | 10/07/2022
Chia sẻ
Từng tự tin sẽ đứng đầu thế giới về sản xuất chip bán dẫn, nhưng hiện nay Samsung đang ngày càng tụt lại phía sau TSMC. Doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc đang có những kế hoạch lớn nhằm thay đổi tình hình.

Theo Nikkei Asia, Samsung Electronics đã từng tự tin sẽ trở thành nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới. Tuy nhiên ba năm sau, đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) đã chiếm thị phần lớn hơn, buộc Samsung phải thay thế một số giám đốc điều hành.

Vào hôm 30/6, Samsung tuyên bố bắt đầu sản xuất hàng loạt chip bán dẫn 3 nanometer (nm), là công ty đầu tiên đạt được thành tích này. Có vẻ như tập đoàn này đã đi trước một bước trong cuộc đua chip bán dẫn tiên tiến. Nhưng thông báo của Samsung mới chỉ kể một phần câu chuyện.

Nhân viên của Samsung Electronics với đĩa bán dẫn tại cơ sở Hwaseong của tập đoàn, nơi những con chip 3 nm mới nhất sẽ được sản xuất hàng loạt. (Ảnh: Samsung Electronics). 

"Khách hàng là ai?"

"Khách hàng là ai?", một nguồn tin ở Yeouido, quận tài chính của Seoul nói.

Mặc dù chiều rộng đường mạch là một chỉ số quan trọng về năng lực kỹ thuật, người mua chip cũng là một minh chứng cho chất lượng sản phẩm. Điểm đến của lần giao hàng đầu tiên mang một ý nghĩa rất đặc biệt.

Samsung vẫn chưa tiết lộ bất kỳ khách hàng nào cho chip bán dẫn 3 nm của mình. Tuyên bố chỉ cho biết ban đầu các con chip này sẽ được sử dụng cho "các ứng dụng máy tính hiệu năng cao".

Việc sản xuất hàng loạt sẽ không diễn ra tại nhà máy Pyeongtaek của Samsung, nơi đang lắp đặt các thiết bị sản xuất mới nhất. Các con chip sẽ được chế tạo tại Hwaseong, cũng là nơi phát triển công nghệ, khiến các nhà quan sát nghi ngờ rằng việc sản xuất sẽ diễn ra quy mô nhỏ.

Theo các nhà cung cấp và một số nguồn khác, những người nhận chip đầu tiên sẽ là những thợ đào tiền mã hóa ở Trung Quốc. Nhưng do sự trượt giá gần đây của loại tài sản này, nhóm khách hàng trên có thể không đáng tin cậy trong dài hạn.

Mảng sản xuất, chế tạo chip bán dẫn Samsung đã được cho là có vấn đề kể từ đầu năm 2021. Công ty bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 5 nm vào nửa cuối năm 2020, nhưng không thể tăng năng suất.

Samsung đã không thể cung cấp chip điện thoại thông minh một cách ổn định cho khác hàng lớn nhất là Qualcomm. Cuối cùng, Qualcomm đã tăng khối lượng gia công từ TSMC vào mùa thu năm ngoái, dẫn đến việc Samsung mất đơn đặt hàng.

Hụt hơi trong cuộc đua

Mặc dù bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 5 nm cùng thời điểm với Samsung, TSMC lại là nhà sản xuất hợp đồng duy nhất cho các vi xử lý của Apple.

Vì iPhone là dòng điện thoại thông minh bán chạy nhất tính theo doanh số, nên chúng yêu cầu chip phải được sản xuất theo chu kỳ ngắn. Hiện nay, rất khó để tìm ra một doanh nghiệp ngoài TSMC đáp ứng được những điều kiện trên.

Do chênh lệch trong dầy chuyền sản xuất chip 5 nm, TSMC đã nới rộng khoảng cách dẫn đầu thị trường. Theo công ty phân tích TrendForce, trong quý đầu tiên, TSMC đã chiếm được 53,6% thị trường, Samsung đứng thứ hai với 16,3%.

 

“Chúng tôi sẽ là công ty số 1 thế giới trong lĩnh vực phi bộ nhớ vào năm 2030”, Phó Chủ tịch Lee Jae-yong từng tuyên bố vào năm 2019. Kể từ đó, TSMC đã nới rộng khoảng cách thêm khoảng 8 điểm.

TSMC chuyên sản xuất chip theo hợp đồng, nên có thể tập trung đầu tư vào công nghệ tiên tiến. Chi tiêu của công ty năm nay dự kiến sẽ tăng 46% lên 44 tỷ USD. Từ 70% đến 80% số tiền trên sẽ được hướng đến các sản phẩm tiên tiến.

TSMC đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt chip 3 nm vào cuối năm nay. Để đạt được mục tiêu này, công ty đang thiết lập một địa điểm sản xuất tại các thành phố Tân Trúc và Đài Nam.

Từ quan điểm của Apple và các khách hàng khác, TSMC có những lợi thế đáng kể. 

Không giống như Samsung, TSMC không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực điện thoại thông minh. Apple có thể dễ dàng giao phó cho TSMC dữ liệu thiết kế chip nhạy cảm. TSMC cũng có các thiết kế sẵn có để hỗ trợ cho khách hàng.

Cải tổ bộ máy

Với mong muốn trở lại, Samsung đã thay đổi đội ngũ điều hành. Ông Kyung Kye-hyun, trước đây là Giám đốc điều hành của Samsung Electro-Mechanics, đã được bổ nhiệm vào tháng 12 năm ngoái với tư cách là người đứng đầu bộ phận Giải pháp thiết bị sản xuất chip của Samsung.

Tháng trước, Samsung đã thay thế khoảng một chục quản lý cấp cao, bao gồm cả Giám đốc trung tâm công nghệ sản xuất chip bán dẫn, một động thái đáng ngạc nhiên khi tập đoàn này thường hoàn tất các thay đổi nhân sự vào tháng 12.

Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong (thứ 4 từ trái sang) thăm nhà sản xuất thiết bị quang khắc ASML (chuyên dùng để chế tạo các loại chip tiên tiến) của Hà Lan vào tháng 6/2022. (Ảnh: Samsung Electronics). 

Cuộc cải tổ này không chỉ cho thấy sự cấp thiết phải đại tu công nghệ sản xuất mà còn cho thấy một công ty đang tìm cách tổ chức lại đội ngũ giám đốc điều hành chủ yếu gồm những người có nền tảng về bộ nhớ. Samsung hiện đang phải thuê Qualcomm và những nơi khác nhằm cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu cho khách hàng.

Intel, cũng đang lên kế hoạch trở lại cuộc đua chip điện thoại. Giám đốc điều hành Pat Gelsinger đã công bố các khoản đầu tư lớn vào Mỹ và Châu Âu. Ông Gelsinger tuyên bố: “Ngày nay có một sự thiên vị lớn đối với châu Á. Thế giới cần nguồn cung từ Mỹ và châu Âu theo một cách cân bằng hơn”.

Sự cạnh tranh giữa ba nhà sản xuất chip lớn là TSMC, Samsung và Intel sẽ còn tồn tại ít nhất là trong ngắn hạn.

Mảng kinh doanh bộ nhớ của Samsung tiếp tục thúc đẩy lợi nhuận. Hôm 7/7, công ty cho biết doanh thu tăng 21% so với cùng kỳ trong Quý II và lợi nhuận hoạt động tăng 11%.

Tuy nhiên, điều kiện kinh tế toàn cầu yếu hơn đã làm giảm nhu cầu về điện thoại thông minh và màn hình. Doanh số bán TV và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác cũng đã giảm sút sau thời kỳ hoàng kim của giai đoạn giãn cách xã hội.

Những điều kiện này rồi cũng sẽ tràn sang lĩnh vực kinh doanh bộ nhớ. Samsung đối mặt với tiềm năng ngày càng tăng rằng cả bốn bộ phận chính của họ sẽ mất chỗ đứng. Để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, Samsung dự kiến sẽ tận dụng hoạt động sản xuất chip bán dẫn, nơi thị trường liên tục được mở rộng.

Sự thiếu hụt chip toàn cầu đã cho thấy những rủi ro khi TSMC chiếm một phần lớn hoạt động kinh doanh sản xuất chip theo hợp đồng. Samsung sẽ phải chứng minh rằng họ là một giải pháp thay thế phù hợp để sản xuất hàng loạt chip bán dẫn tiên tiến. 

Minh Quang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.