Sabeco tăng 40% lương thưởng cho ban giám đốc
Theo báo cáo soát xét bán niên 2024 của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB), tổng mức lương và thưởng cho ban giám đốc đã tăng vọt lên 16,34 tỷ đồng, cao hơn 41% so với mức chi trả cùng kỳ năm ngoái.
Đây là con số thu nhập nửa đầu năm cao nhất mà ban điều hành Sabeco nhận được, kể từ khi công bố số liệu từ năm 2021 đến nay.
Theo báo cáo quản trị, Tổng giám đốc Sabeco hiện là ông Tan Teck Chuan Lester (được bổ nhiệm từ tháng 10/2023). 3 Phó Tổng giám đốc hoạt động đủ thời gian trong kỳ là ông Lâm Du An, Ng Kuan Ngee Melvyn, Koo Liang Kwee.
Trong khi 2 Phó Tổng giám đốc Lim Pei Chi Patsy và Lee Chio Lim Larry được bổ nhiệm từ 27/6, còn ông Venus Teoh Kim Wei thôi làm chức vụ tương từ từ ngày 1/4.
Như vậy, nếu tạm tính với 5 thành viên hoạt động trong kỳ (4 thành viên hoạt động đủ thời gian và một thành viên nghỉ việc trong quý II), mức lương bình quân của ban Tổng giám đốc Sabeco là hơn 3,2 tỷ đồng/người.
Trong báo cáo "Thu nhập của Tổng giám đốc và Hội đồng Quản trị tại các công ty đại chúng ở Việt Nam năm 2023", FiinGroup khảo sát thấy mức thu nhập bình quân của mỗi nhân sự là khoảng 2,5 tỷ đồng cho cả năm 2023; riêng đối với doanh nghiệp có vốn hóa lớn (vốn hóa trên 25.000 tỷ đồng) thì con số bình quân là 3,8 tỷ đồng.
Không chỉ có ban điều hành được tăng thu nhập mà các thành viên Hội đồng quản trị cũng tăng tiến (ngoại trừ Chủ tịch HĐQT Koh Poh Tiong vẫn không nhận tiền).
Thành viên HĐQT Michael Chye Hin Fah là người nhận thu nhập cao nhất với 560 triệu đồng từ đầu năm, cao hơn 79% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Tiến Vỵ xếp sau với mức tăng 70% lên 532 triệu đồng. 3 thành viên khác tăng 57% lên 490 triệu đồng. Ông Pramoad Phornprapha được tăng 16% với 364 triệu đồng.
Trong khi đó, thù lao của Ủy ban kiểm toán giảm 7% còn 570 triệu đồng.
Hiện Sabeco có một Ủy ban Tiến cử và Lương thưởng với 4 thành viên, trong đó ông Nguyễn Tiến Vỵ làm chủ tịch ủy ban. Một trong các nhiệm vụ của ủy ban này là xem xét khung thù lao cụ thể cho HĐQT, ban điều hành và các ủy ban.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, chi phí cho nhân công và nhân viên nửa đầu năm là 793 tỷ đồng (chiếm gần 12% tổng chi phí sản xuất và kinh doanh trong kỳ), giảm 16% so với con số 942 tỷ đồng năm ngoái.
Tổng số nhân viên của Sabeco tính đến hết quý II là 7.701 người, giảm đáng kể so với con số 8.139 nhân sự chính thức hồi đầu năm.
Trong nửa đầu năm 2024, Sabeco đạt 15.270 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 2.246 tỷ; tăng lần lượt 5% và gần 6% so với nửa đầu năm ngoái trong bối cảnh nền kinh tế được cải thiện.
Trong cơ cấu chi phí bán hàng, khoản chi phí quảng cáo và khuyến mãi chiếm tỷ trọng lớn nhất ghi nhận mức giảm 16% so với cùng kỳ còn 1.031 tỷ, cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận bán niên.
Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần 34.397 tỷ đồng và lãi sau thuế 4.580 tỷ trong năm nay. Như vậy, sau nửa chặng đường, hãng bia này đã thực hiện được 44% chỉ tiêu doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tổng tài sản của công ty bia này đạt hơn 34.000 tỷ đồng. Trong đó, khoản mục tiền, tiền gửi ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (68%) với giá trị 23.362 tỷ đồng. Với khoản tiền lớn gửi ngân hàng, hãng bia này đã thu về 533 tỷ lãi tiền gửi nửa đầu năm.
Đánh mất thị phần
Báo cáo từ Chứng khoán FPTS cho thấy thị trường bia Việt Nam chủ yếu do 4 doanh nghiệp lớn nắm giữ gồm: Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco với thị phần lên tới 94%.
Trong đó, báo cáo ghi nhận giai đoạn 2018 - 2023, thị phần của Sabeco có sự sụt giảm mạnh từ mức 42% năm 2018 xuống gần 34% năm 2023, chính thức đánh mất vị thế ngôi đầu vào tay Heineken (43%).
Ngoài ra, danh mục sản phẩm của Sabeco ít đa dạng hơn so với các hãng bia ngoại cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị phần giảm. Báo cáo cho thấy trong giai đoạn 2018 - 2023, phân khúc bia trung cấp với các dòng sản phẩm lâu đời là 333, Saigon Lager và Saigon Export chiếm bình quân 98% sản lượng của Sabeco.