|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Rủi ro lớn nhất của thị trường chứng khoán Mỹ ngay bây giờ

17:27 | 05/09/2024
Chia sẻ
Bank of America cảnh báo rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Mỹ tuần này là báo cáo việc làm tháng 8 nóng hơn dự kiến.

 

Bảng tuyển dụng của chuỗi cà phê Starbucks tại California. (Ảnh: Getty Images).

Theo Bank of America, rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Mỹ tuần này là báo cáo việc làm tháng 8 nóng hơn dự kiến.

Gã khổng lồ ngân hàng Phố Wall đã đề cập đến rủi ro này trong một lưu ý vào đầu tuần. Họ cảnh báo số liệu việc làm quá nóng có thể khiến thị trường phải đánh giá lại số lần cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay.

“Thị trường có vẻ phấn khích về việc giảm lãi suất hơn là lo ngại về khả năng suy thoái. Chúng ta có thể thấy điều này qua đà phục hồi của giá cổ phiếu và kết quả vượt trội của các công ty vốn hoá nhỏ”, chiến lược gia Ohsung Kwon cho hay.

Bộ Lao động Mỹ dự kiến sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 8 vào sáng ngày 6/9 (tức khoảng 19h30 cùng ngày theo giờ Việt Nam).

Theo Markets Insider, các nhà phân tích dự đoán nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm khoảng 162.000 việc làm trong tháng trước và tỷ lệ thất nghiệp tụt từ mức 4,3% xuống còn 4,2%.

 

Các chuyên gia của Bank of America dự đoán Fed sẽ chỉ hạ lãi suất hai lần trong năm nay, mỗi lần 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ giảm 100 điểm cơ bản.

Nếu thị trường lao động khởi sắc từ số liệu việc làm yếu kém của tháng 7, tâm lý của các nhà đầu tư có thể thay đổi. Điều đó chứng minh rằng thị trường đã quá tự tin vào lộ trình hạ lãi suất của Fed.

Theo lưu ý của Bank of America, thị trường chứng khoán Mỹ có thể chịu áp lực trong kịch bản đó. Chiến lược gia Kwon khuyến nghị các nhà đầu tư nên phòng ngừa rủi ro giảm giá.

Gần đây, chính phủ đã công bố một số dữ liệu cho thấy nền kinh tế vẫn trụ vững bất chấp lãi suất cao. Tăng trưởng GDP quý II được điều chỉnh từ 2,8% lên 3% (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm).

Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế - chi tiêu cá nhân - tăng 2,9%, cao hơn ước tính ban đầu là 2,3%. Chi tiêu tiêu dùng được điều chỉnh tăng cho thấy người Mỹ đã chi tiền nhiều hơn cho hàng hoá và dịch vụ. Chi tiêu cho chăm sóc sức khoẻ, nhà ở, tiện ích và giải trí là các khoản mục dẫn đầu.

Một thước đo quan trọng khác về hoạt động kinh tế - tổng thu nhập quốc nội (GDI) - tăng 1,3%, tương đương kết quả quý đầu năm.

 

“Nền kinh tế Mỹ tiếp tục khiến những người hoài nghi phải bất ngờ. Tăng trưởng chắc chắn đã hạ nhiệt so với năm ngoái, nhưng tốc độ chỉ chững lại từ từ”, ông Kwon cho biết.

Một chiến lược gia Phố Wall khác cũng đề cập đến khả năng báo cáo việc làm nóng hơn dự kiến là ông Ed Yardeni của Yardeni Research.

Trong một lưu ý gửi khách hàng vào đầu tuần, ông Yardeni dự kiến nền kinh tế Mỹ đã có thêm 200.000 đến 250.000 việc làm vào tháng 8.

Nếu chính xác, con số này sẽ phá vỡ ước tính của nhiều nhà kinh tế và phù hợp với các báo cáo việc làm mạnh mẽ của tháng 5 và tháng 6. Điều đó cũng chứng tỏ Fed có thể không cần phải cắt giảm lãi suất quá nhiều.

“Rất khó có khả năng Fed phải hạ lãi suất quỹ liên bang nhanh chóng và mạnh tay như trong các chu kỳ nới lỏng tiền tệ trước đây, khi khủng hoảng tài chính gây ra tình trạng thiếu hụt tín dụng và suy thoái”, ông Yardeni lập luận.

Mặc dù triển vọng lạc quan của ông Yardeni sẽ là tin tuyệt vời cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, nó có thể trở thành lực cản đối với giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Yên Khê

Chật vật tăng vốn ngành chứng khoán
Tăng vốn là một trong những điều kiện giúp các công ty chứng khoán (CTCK) có thể phục vụ được số lượng lớn nhà đầu tư, đáp ứng quy mô giao dịch ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, không phải phương án nào cũng diễn ra suôn sẻ. Một số trường hợp không chào bán đủ khối lượng dự tính, hoặc bị trì hoãn, thậm chí hủy bỏ phương án.