|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Rơi vào khủng hoảng thịt heo, Hong Kong đau đầu tìm nguồn cung ứng

10:29 | 16/12/2019
Chia sẻ
Khi Trung Quốc đại lục ngừng vận chuyển toàn bộ heo sống sang Hong Kong sau khi đặc khu hành chính này xác nhận trường hợp nhiễm dịch tả heo châu Phi (ASF) đầu tiên, người dân bắt đầu sục sạo mua thịt trên khắp các ngõ chợ trong thành phố.

Như bao nền kinh tế khác, Hong Kong cũng trải qua đợt khan hiếm thịt và giá cả tăng vọt

Họ hiểu bất kì sự thiếu hụt nào đều sẽ gây ra vấn đề lớn, một khách mua hàng tại chợ Mei Foo nhận xét: "Bất kì gia đình người Hoa nào cũng cần xương heo để hầm súp ít nhất hai lần một tuần".

Thịt heo là loại thực phẩm chính của người dân Hong Kong, từ bánh bao đến súp canh Quảng Đông đều có thịt heo. 

Để đáp ứng nhu cầu, đặc khu hành chính này thường nhập khẩu khoảng 4.000 con heo sống từ đại lục mỗi ngày để bổ sung cho khoảng 500 con hoặc hơn do nông dân địa phương nuôi.

Tuy nhiên, kể từ khi thịt heo nhập khẩu từ đại lục lần đầu bị đình chỉ vào tháng 5, con số đã giảm mạnh. Tính đến ngày 9/12, số lượng heo sống được vận chuyển sang Hong Kong chỉ còn 1.324 con.

Tình trạng khan hiếm khiến giá thịt heo tăng vọt từ 75,7 HKD lên 159 HKD (tương đương 20,31 USD), buộc nhiều quầy hàng phải đóng cửa.

Trong khi đó, một người Hong Kong tiêu thụ trung bình 664g thịt heo và bò mỗi ngày, gấp 4 lần người Anh. Thịt heo khan hiếm buộc họ phải giảm khẩu phần yêu thích.

Hong Kong đang tìm nguồn cung bổ sung từ các nền kinh tế lân cận, đặc biệt là Singapore để giải quyết tình trạng thiếu hụt.

38149164-1c06-11ea-8971-922fdc94075f_1320x770_191358

Quầy thịt heo tươi tại một khu chợ ở Sha Tin, Hong Kong. (Ảnh: South China Morning Post)

Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn Hong Kong sẽ đến quốc đảo sư tử vào tháng 1 tới để tìm hiểu cách thức nhập khẩu heo sống từ Malaysia bằng đường biển.

Ngoài ra, bộ này còn nghiên cứu thêm liệu có thể tăng nhập khẩu thịt heo từ Thái Lan, Malaysia và thậm chí là Hàn Quốc hay không. Ông Surachai Sutthitham, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Heo Thái Lan, cho biết kể từ tháng 8 xuất khẩu thịt heo từ Thái Lan sang Hong Kong đã tăng 40%.

Chuyên gia an ninh lương thực Paul Teng thuộc Đại học Công nghệ Nanyang cảm thấy kì lạ khi Hong Kong tìm đến khu vực Đông Nam Á để xoa dịu bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt heo vì khu vực này thường có xu hướng tiêu thụ phần lớn sản phẩm sản xuất được và ít có thặng dư để xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Đông Nam Á cũng đang gặp vấn đề với dịch ASF. "Tại khu vực này, hai nhà sản xuất thịt heo lớn là Việt Nam và Philippines đều ghi nhận có dịch. Chỉ còn Malaysia chưa công bố thông tin gì nên chúng tôi không rõ tình hình ở đó", ông Teng cho biết.

Tại Việt Nam, nhà sản xuất thịt heo lớn thứ 6 thế giới và thứ hai châu Á sau Trung Quốc, dịch ASF đã lan ra 63 tỉnh thành kể từ khi được phát hiện vào tháng 2 và hàng triệu con heo đã bị tiêu hủy. 

Bài học về thịt đông lạnh của Singapore

Tuy nhiên, Hong Kong có thể học được nhiều thứ từ Singapore, mặc dù quốc đảo sư tử chỉ nhập khẩu khoảng 126.000 tấn thịt heo/năm, chỉ bằng một phần tư của Hong Kong.

Thịt heo nhập khẩu của Singapore có thể được chia thành ba loại: heo sống từ Pulau Bulan ở Indonesia và Sarawak, Malaysia; heo đông lạnh nhập từ 23 quốc gia và thịt heo ướp lạnh từ 8 nước khác.

Singapore chỉ nhập khoảng 1.000 con heo mỗi ngày từ Pulau Bulau. Chúng được chuyển đến trên một sà lan lớn, kiểm tra dáng đi, tình trạng cơ thể và màu da.

Heo đã qua kiểm tra được gắn nhãn màu hồng, sau đó đem đi giết mổ và bán như thịt heo ướp lạnh. Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn Hong Kong đang cân nhắc có nên áp dụng hướng đi này hay không.

Tuy nhiên, chính quan điểm của Singapore về thịt heo đông lạnh mới là bài học kinh nghiệm quan trọng nhất cho Hong Kong.

Năm 2008, Hong Kong đã phát động một chương trình giáo dục công, khuyến khích người tiêu dùng mua thịt heo đông lạnh để giảm sự phụ thuộc vào thịt heo tươi hoặc ướp lạnh.

Chiến dịch này giúp tăng lượng tiêu thụ thịt heo đông lạnh từ 57.600 tấn năm 2008 lên 71.900 tấn năm 2021, trong khi tiêu thụ thịt heo ướp lạnh giảm 1.700 tấn trong cùng kì. Kể từ đó, giá thịt heo đã ổn định đáng kể. 

Năm ngoái, thịt heo nạc ướp lạnh có giá khoảng 13,73 SGD/kg (tương đương 10 USD/kg), tăng chỉ khoảng 1 SGD trong một thập kỉ.

Các chuyên gia nhận định Hong Kong cũng có thể hưởng lợi thông qua khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thịt heo đông lạnh và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu thịt heo sống. Năm 2002, thịt heo đông lạnh chiếm 46% tổng nhập khẩu thịt heo của Hong Kong, heo sống chiếm 51% và thịt heo ướp lạnh chiếm phần còn lại.

Một lợi thế của thịt heo đông lạnh là có thể được nhập khẩu từ xa hơn, tạo ra sự đa dạng về nguồn cung cũng như thị trường, đặc biệt là ở nơi dịch ASF chưa tác động đến.

"Thông qua mua thịt heo từ nhiều nguồn cung khác nhau, nguy cơ phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất sẽ giảm và cho phép chúng tôi khai thác hoặc tăng cường nhập khẩu từ các nguồn cung khác khi thị trường truyền thống bị gián đoạn", Cơ quan Lương thực Singapore cho hay.

Ông Paul Teng cho biết đây chính là con đường mà Hong Kong nên theo đuổi: tăng cường nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ Mỹ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Đức và Canada.

Nhược điểm khi vận chuyển thịt đông lạnh từ những nguồn cung xa

Tuy nhiên, có một số hạn chế khi nhập khẩu thịt heo từ các nơi xa. Một trong số này là chi phí.

Ông Teng cho hay Singapore có thể giải quyết vấn đề chi phí tốt hơn các nước khác trong khu vực vì một hộ gia đình trung lưu ở quốc đảo sư tử chỉ chi 20,3% ngân sách cho thực phẩm, trong khi tại Singapore hoặc Philippines là 35 - 45%.

Tại Hong Kong, chi phí cho thực phẩm chiếm 27% ngân sách của một hộ gia đình trung lưu, theo một cuộc khảo sát được tiến hành trong giai đoạn 2014 - 2015.

"Chúng tôi có thể trả nhiều hơn chút vì ngay cả khi giá tăng lên một ít, hộ gia đình trung lưu vẫn có thể chi được. Singapore có lợi thế lớn bởi họ là quốc gia gia tương đối giàu có, đủ khả năng mua thịt heo sạch từ xa", ông Teng nói.

dcd24f3e-1c06-11ea-8971-922fdc94075f_1320x770_191358

Niềm tin về ẩm thực và tín ngưỡng cũng kìm hãm độ yêu thích của người dân Hong Kong đối với thịt heo đông lạnh. (Ảnh: South China Morning Post)

Một vấn đề khác khiến người Hong Kong khó chấp nhận thịt heo đông lạnh như một sự thay thế xứng đáng cho ẩm thực và tín ngưỡng. 

Cô Angel Leung, sinh viên luật (21 tuổi), cho biết nhiều người thích hương vị của thịt mới giết mổ và tin rằng nhiệt độ khi đông lạnh sẽ làm hỏng vị ngon của thịt.

"Bà tôi luôn nói rằng đối với Tết Nguyên đán hoặc các sự kiện lễ hội như khai trương cửa hàng, bạn cần phải có heo sữa quay chất lượng tốt nhất. Bởi vì nó dành cho các vị thần nên tốt hơn không mua thịt heo đông lạnh", South China Morning Post dẫn lời cô Leung.

Khả Nhân