Rời EVN, cán bộ vận hành điện A0 có thể vẫn nhận lương 40 triệu đồng
Nội dung trên được nhắc tới tại Báo cáo thẩm định đề án tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thành Công ty TNHH MTV (NSMO) thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng.
Hiện A0 có 448 lao động, EVN đã chỉ đạo A0 hoàn thành phương án sắp xếp, đến nay đã hoàn thành việc lấy ý kiến. Theo phương án sử dụng lao động được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phê duyệt trước đó, NSMO tiếp nhận nguyên trạng số lao động của A0 khi tách, kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ với người lao động.
Tại tờ trình gửi Chính phủ tháng 6/2023, Bộ Công Thương đã xin cơ chế đặc thù để giữ mức lương 40 triệu đồng mỗi tháng cho toàn bộ lao động của A0 trước khi về Bộ để tránh xáo trộn nhân sự, dẫn đến rủi ro vận hành.
Lý giải cho cơ chế này, Bộ Công Thương đánh giá nhân sự A0 chịu áp lực công việc nặng nề khi điều khiển vận hành toàn bộ hệ thống điện với hàng trăm nhà máy, hàng trăm nghìn thiết bị điện cao áp khác nhau. Trong quá trình làm việc, họ phải ra các quyết định nhanh, chính xác, không được phép sai sót vì mỗi sai sót sẽ dẫn tới hư hỏng thiết bị giá trị cao, mất điện trên diện rộng hoặc thiệt hại về người.
Phương án sắp xếp lao động trên đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống nhất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá việc này phù hợp với quy định pháp luật.
Về chính sách tiền lương 5 năm (2023-2028), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị NSMO vận dụng hạng 1 để xếp lương với người quản lý. Theo Nghị định 51 và Nghị định 52 năm 2016, tại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các doanh nghiệp được quyền xây dựng thang, bảng lương đối với người lao động, dựa trên hiệu quả kinh doanh.
Với người quản lý, tiền lương xác định trên mức lương cơ bản theo 6 hạng (thấp nhất 16 triệu đồng, cao nhất 36 triệu đồng). Cùng với hệ số tăng thêm theo hiệu quả, mức lương quản lý cho chức danh Chủ tịch tối đa 86,4 triệu đồng mỗi tháng. Năm 2022, tiền lương bình quân người lao động của khối doanh nghiệp này đạt 10-12 triệu đồng mỗi tháng, bình quân người quản lý khoảng 40 triệu đồng mỗi tháng.
Như vậy, mức lương 40 triệu đồng mỗi tháng như đề xuất của Bộ Công Thương cho người lao động NSMO có thể vẫn được giữ sau khi sắp xếp.
A0 được thành lập năm 1994, vận hành các khâu truyền tải, phân phối, để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm vận hành các nhà máy điện; khai thác, điều tiết hồ chứa; xử lý sự cố hệ thống điện 500 kV. Việc tách A0 khỏi EVN đã được nêu trong Quyết định tái cơ cấu ngành điện năm 2017 nhưng chưa được thực hiện. Việc chuyển đơn vị này về Bộ Công Thương được thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng.
Báo cáo lên Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá việc tách A0 để thành lập công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn là phù hợp với các quy định hiện hành, không ảnh hưởng tới Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch VIII), giúp từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh, đảm bảo an ninh năng lượng, tái cơ cấu ngành điện.
Vốn điều lệ của NSMO khi thành lập được Bộ Công Thương thống nhất là 776 tỷ đồng. Bộ Công Thương đề xuất bổ sung cho giai đoạn 2024-2028 là 3.520 tỷ đồng. Trong đó, gần 3.000 tỷ đồng ưu tiên thực hiện 9 dự án cấp bách đang triển khai và đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Để đảm bảo hoạt động ổn định sau khi thành lập, NSMO sẽ thu phí điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường thông qua ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với EVN. Mức chi phí sẽ do Bộ Công Thương xây dựng, EVN thanh toán theo hợp đồng. Theo kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương sẽ phải ban hành thông tư quy định rõ về cơ chế đảm bảo vốn lưu động cho NSMO.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề cập tới phương án xử lý với hai khoản nợ được EVN vay cho A0, gồm khoản vay cho dự án trung tâm A0 mới hơn 1,56 triệu USD và dự án cơ sở hạ tầng thông tin cho thị trường phát điện cạnh tranh 1,34 triệu USD. Theo đó, EVN sẽ ký hợp đồng cam kết với NSMO tiếp tục trả nợ cho Bộ Tài chính, sau đó NSMO hoàn trả lại cho EVN.