Robot tiến vào nhà máy
(Ảnh: VinFast)
Môi trường Internet vạn vật kết nối (IoT) bên trong nhà máy giúp doanh nghiệp có thể tìm ra giải pháp tối ưu trong từng thao tác, nâng cao hiệu suất của nhân công.
Những nhà máy robot
5 giờ sáng, nhà máy Omika Works, thành phố Chiyoda, Nhật, bắt đầu thời gian làm việc đầu tiên trong ngày, cũng là thời điểm công nhân ca đêm về nhà nghỉ ngơi sau 7 giờ làm việc.
Cuộc đổi ca diễn ra trong thầm lặng. Diện tích rộng hơn 200.000m2, Omika có hơn 4.100 công nhân, làm việc 2 ca/ngày. Sự hiện diện của con người rõ ràng không ít nhưng thanh âm chủ yếu trong không gian này là tiếng rì rầm của máy móc.
Quản lý nhà máy chỉ cần theo dõi bảng thống kê là đã có thể thấy nhân công ở ô nào đang làm việc chậm hay nhanh hơn tiến độ trung bình. Màn hình cũng cung cấp những thông tin phát sinh như việc thiếu linh kiện hay linh kiện không đúng tiêu chuẩn.
“Mọi giao tiếp được thực hiện qua máy tính, công nhân chỉ việc thực hiện đúng thao tác mà máy hướng dẫn. Máy tính đồng thời ghi lại hoạt động để có thể tiếp tục đưa ra các phương thức cải tiến thao tác, rút ngắn thời gian, tăng hiệu suất”, ông Takaichi Ishida, Giám đốc nhà máy Omika, chia sẻ.
Omika Works đã xây dựng một môi trường IoT bên trong nhà máy sử dụng các thẻ chip RFID (nhận dạng qua tần số vô tuyến) từ năm 2017. Theo ông Kujita, Giám đốc IoT nhà máy, việc thu thập và sử dụng thông tin về người vận hành, máy móc và nguyên vật liệu theo thời gian thực cho phép nhà máy giảm thời gian đưa vào sản xuất các sản phẩm chính xuống còn 50%, giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí không ít.
Đây được gọi là giải pháp sản xuất năng suất cao, kết quả của sự kết hợp giữa công nghệ kiểm soát vận hành và công nghệ thông tin (phân tích dữ liệu và ứng dụng).
Quy mô thị trường nhà máy thông minh toàn cầu dự kiến tăng vọt từ 75 tỉ USD năm 2018 lên hơn 155 tỉ USD năm 2025.
Nhà máy thông minh đóng vai trò quan trọng trong tương lai của ngành sản xuất. Việc chuẩn hóa mọi thao tác của nhân công mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, cả về chi phí, hiệu năng lẫn việc nâng cao uy tín vì khả năng kiểm soát chất lượng thành phẩm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM (HAuA) nhận định, đây chính là lý do, mô hình nhà máy “robot hóa con người” đang ngày càng phát triển, nhất là ở các quốc gia châu Á, đặc biệt là Thái Lan, Việt Nam, Indonesia... nơi có các doanh nghiệp thực hiện đơn hàng sản xuất cho thị trường thế giới.
Con người trong iot
Đối với Việt Nam, Đề án Chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2025, có 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ chuyển sang nền tảng kỹ thuật số và có ít nhất 80.000 doanh nghiệp công nghệ số phát triển.
Cách mạng công nghiệp 4.0, kèm theo tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (A.I) sẽ xóa các lợi thế như nhân công rẻ. Chủ tịch HAuA cho rằng, các nước thu nhập trung bình thấp như Việt Nam cần tăng cường tự động hóa dây chuyền sản xuất, gia tăng năng suất và nhanh chóng gia nhập chuỗi giá trị cao hơn.
Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của tự động hóa sản xuất nên đây là cơ hội lớn để các nhà sản xuất máy móc tự động, robot của Nhật tham gia cung cấp.
Ông Nobuya Abematsu, Giám đốc Truyền thông Hitachi, cho biết, ngoài việc cung ứng thiết bị hạ tầng cho những dự án công cộng, hệ thống giao thông... thì cung cấp giải pháp nhà máy thông minh đang là mảng kinh doanh tập đoàn này chú trọng ở thị trường Việt Nam.
Nguyên nhân là vì những thương hiệu lớn trong lĩnh vực sản xuất, từ thiết bị điện tử, may mặc, giày da, chế biến gỗ... đều chọn Việt Nam như một công xưởng sản xuất tiềm năng và hiệu quả. Ông chia sẻ: “Thời gian tới, Hitachi sẽ đẩy mạnh việc cung cấp các giải pháp cho thị trường Việt Nam”.
Thực tế, vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam trong việc ứng dụng tự động hóa cũng không ít, đặc biệt là chi phí và nhân lực.
Theo ông Bernd Kahnert, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Homag, thương hiệu cung cấp máy đến từ Đức, cho biết, doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng chi tiền cho việc trang bị công nghệ để có những nhà máy tự động hơn, thông minh hơn.
“Vấn đề lớn nhất hiện nay là nhân lực vận hành, thích ứng được với yêu cầu của máy tính”, ông nói.
Đồng quan điểm, ông Takaichi Ishida khẳng định, với nền tảng IoT Lumada, nhân công chỉ cần có trình độ cấp 3 là đã có thể đáp ứng được công việc sản xuất với các thiết bị tinh vi nhất.
“Dù có robot nhưng con người vẫn là nhân tố hết sức cần thiết trong thời đại các đơn hàng đã không còn số lượng lớn mà cá nhân hóa theo nhu cầu. Do vậy, chuẩn hóa con người là rất quan trọng”, ông Takaichi Ishida nói.
Vấn đề đặt ra là trong không gian IoT, con người phụ thuộc vào công nghệ, chuẩn hóa thao tác liệu có rơi vào tình trạng số hóa bản thân?
Nghiên cứu về Crisis 5.0 do Đại học Tokyo thực hiện cho thấy, với tốc độ công nghệ hóa cùng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, robot... như hiện nay, vào năm 2050, con người sẽ rơi vào khủng hoảng. Có quá nhiều thông tin, sống trong không gian thực tế ảo, máy móc hướng dẫn từng thao tác. Họ không có gì để dựa vào, để tin vào và không có động lực phấn đấu.
“Thách thức này buộc con người phải điều khiển được công nghệ, dựa vào công nghệ để phát triển. Nếu biết cách phân tích dữ liệu để đưa ra các giải pháp cải thiện giá trị sống, con người sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng “robot hóa”, ông Toshiaki Higashihara, CEO Tập đoàn Hitachi, chia sẻ.