‘Robot đang đến rất nhanh, Việt Nam cần đi lên trong chuỗi giá trị'
Chuỗi giá trị toàn cầu chiếm tới 50% thương mại của thế giới. 30 năm qua, theo World Bank, nhờ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và chú trọng xuất khẩu, nhiều nước nghèo đã tăng trưởng nhanh như Việt Nam, Trung Quốc, Bangladesh. Qua thu hút đầu tư nước ngoài, các nước này vượt qua giới hạn về vốn, công nghệ.
Nhưng chuỗi giá trị là cuộc đua không dễ. Một số nước ở dưới đáy chuỗi giá trị, tập trung bán tài nguyên và nông sản, như cà phê. Một số nước vươn tới chế tạo đơn giản, dệt may. Số khác đi lên các ngành điện tử, máy móc cao cấp, trên nữa là chuyển sang dịch vụ. Sắp tới, cách mạng công nghiệp 4.0 cùng làn sóng tự động hóa, áp dụng robot và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể xóa mờ lợi thế nhân công rẻ, từ lâu vẫn là lợi thế của Việt Nam.
Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới, tiến sĩ Pinelopi Goldberg, đã thuyết trình về chủ đề này trong chuyến công tác gần đây tới Việt Nam. Trao đổi với Zing.vn, bà phân tích rõ hơn cách để Việt Nam “đi lên” trong chuỗi giá trị toàn cầu.
- Dự thảo Báo cáo Phát triển Thế giới (World Development Report) 2020 của WB khen ngợi Việt Nam là “câu chuyện thành công” về tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Như vậy có quá lạc quan khi chỉ phần nhỏ (21%) các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam gia nhập chuỗi giá trị?
- Con số đó được dẫn lại nhiều lần, nhưng chúng tôi chưa thể kiểm chứng độc lập. Không rõ đây là tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ trực tiếp xuất khẩu hay tỷ lệ bao gồm cả các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gián tiếp.
Có khác biệt lớn giữa hai tỷ lệ. Chẳng hạn, ở Mexico, chỉ 16% doanh nghiệp nhỏ trực tiếp xuất khẩu, nhưng nếu tính các doanh nghiệp là đối tác của các doanh nghiệp xuất khẩu, và đóng góp gián tiếp vào xuất khẩu, con số đó tăng lên 32%.
Ở các nước Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, đa số tập đoàn đa quốc gia nhập nguyên liệu, phụ tùng đầu vào từ nội địa. Ở Việt Nam, các tập đoàn đó phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
Mặt tích cực của điều này là Việt Nam có thể tiếp cận đầu vào chất lượng cao từ nước ngoài. Vị trí địa lý khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vì ở gần Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc và có khả năng nhập nguyên liệu, phụ tùng từ các nước này.
Mặt trái là các công ty không mua từ những đối tác trong nước. Như nhấn mạnh trong báo cáo, chuỗi giá trị toàn cầu không phải một khái niệm “đứng yên”, mà là một quá trình. Việt Nam cho tới nay đã làm tốt việc kết nối với chuỗi giá trị.
Nhưng Việt Nam vẫn tham gia ở giai đoạn đầu: chế tạo hạn chế, sản xuất quần áo, hàng dệt may, với những dây chuyền sản xuất đơn giản, lắp ráp, đóng gói. Việt Nam cần phải tiếp tục phát triển, đi lên trong chuỗi giá trị, đồng thời kết nối với doanh nghiệp trong nước.
Trong thời gian ngắn, Việt Nam đã đạt thành quả đáng kể, nhưng không được phép dừng lại. Tôi nghĩ sự chậm chân của doanh nghiệp Việt là điều đáng lo ngại.
- Biện pháp nào để giúp doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị?
- Có thể tham khảo kinh nghiệm các nước tương tự Việt Nam như Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ba Lan trước đây đã đi từ chế tạo hạn chế rồi dần đi lên.
Các công ty nội địa gặp một số trở ngại lớn khi tham gia xuất khẩu. Đầu tiên là thông tin, nhiều khi họ không biết những tập đoàn lớn của nước ngoài cần gì và ngược lại. Có thể tập đoàn nước ngoài không biết phải tìm doanh nghiệp nội địa họ cần ở đâu.
Vì vậy, trong một số trường hợp, có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp thông tin, tuy đơn giản nhưng vẫn đạt kết quả đáng kể. Chẳng hạn, Ai Cập có chương trình nhà cung cấp đạt chuẩn, cho các nhà cung cấp trong nước biết doanh nghiệp nước ngoài cần gì, và cho doanh nghiệp nước ngoài biết cách tìm đến nhà cung cấp nội địa có thể đáp ứng nhu cầu.
Thứ hai, một số công ty đa quốc gia phàn nàn là không thể tìm được các sản phẩm hay kỹ năng mà họ cần ở trong nước. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp trong nước cần phải phát triển lĩnh vực đó.
WB đã thí điểm hợp tác với Việt Nam, nhằm tạo ra chương trình tương tự dành cho nhà cung cấp. Ý tưởng là giúp các doanh nghiệp phát triển sản phẩm hay các nguyên liệu đầu vào đạt tiêu chuẩn chất lượng của các công ty nước ngoài, tập huấn cho họ các kỹ năng.
Chương trình như vậy đã được tiến hành ở Malaysia, giúp các doanh nghiệp nội kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu. Thổ Nhĩ Kỳ, Chile cũng có những chương trình thành công.
Tiếp cận vốn cũng là trở ngại quan trọng. Chính phủ giảm trở ngại đó bằng cách cho vay các công ty nhỏ muốn phát triển lên.
Ngoài ra, có những trường hợp, trở ngại nằm ở chỗ, các công ty nội địa không đạt yêu cầu chất lượng của các tập đoàn đa quốc gia. Do vậy ở một số nước, các doanh nghiệp và chính phủ tạo ra các chương trình chứng nhận chất lượng, để làm hài hòa giữa tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Những hỗ trợ nói trên đều khả thi, không đòi hỏi đầu tư lớn, chủ yếu cần quyết tâm.
- Cách mạng công nghiệp 4.0, kèm theo tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ xóa các lợi thế như nhân công rẻ. Các nước thu nhập trung bình thấp như Việt Nam nên đối phó với làn sóng thay đổi này như thế nào?
- Một kết luận trong báo cáo, có lẽ khiến nhiều người ngạc nhiên, là tự động hóa và robot sẽ tốt cho thương mại. Nguyên nhân là những xu hướng này giảm chi phí của buôn bán.
Ví dụ hiển nhiên là dịch thuật bằng máy tính. Nếu máy tính có thể dịch bao bì sản phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Anh, sẽ dễ bán sản phẩm ở nước ngoài hơn. Hay ví dụ khác là khi eBay áp dụng công nghệ dịch thuật AI ở Nam Mỹ, doanh số bán hàng tăng vọt.
Một số ngành ứng dụng nhiều robot, như chế tạo xe hơi, việc buôn bán với các nước đang phát triển đã có sự gia tăng.
Lý do là các công ty sử dụng robot, đạt lợi nhuận cao, rồi mở rộng sản xuất. Khi quy mô tăng, họ cần thêm phụ tùng và nguyên liệu đầu vào từ các nước đang phát triển. Đó chính là tác động tổng thể của robot. Khi robot được áp dụng ở Mỹ hay châu Âu hay Trung Quốc, nhu cầu tìm mua nguyên liệu từ các nước đang phát triển tăng lên, và đó là tin tốt.
- Robot thay thế con người, gây thất nghiệp có phải là mối lo ngại lớn?
- Trên thực tế, robot đang đến Việt Nam rất, rất nhanh. Việt Nam là nước đang áp dụng robot nhanh thứ 7 trên thế giới. Vì vậy, mối lo về việc robot thay thế con người là chính đáng.
Đây là xu hướng toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam. Theo tôi, robot sẽ không thay thế hẳn con người, mà chỉ thay đổi kỹ năng mà con người cần có, theo hướng không cần những công việc trình độ thấp. Điều này đã diễn ra ở nhiều nước, và là điều tốt vì những công việc này trả lương rẻ mạt, không làm con người thỏa mãn.
Robot sẽ thay thế một số việc, nhưng vẫn cần người vận hành, lập trình robot. Để làm điều đó, con người sẽ cần trình độ cao hơn.
Hệ thống giáo dục sẽ cần phải điều chỉnh. Trong ngắn hạn, sự chuyển tiếp có thể có những khó khăn. Chính phủ sẽ cần ra chính sách để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo người dân không bị thất nghiệp, đảm bảo các chương trình an sinh xã hội. Nhưng quan trọng hơn, những người mất việc do robot cần được đào tạo lại, để họ có thể vận hành robot.
Đó chính là công đoạn mà Việt Nam muốn đi lên trong chuỗi giá trị. Nói theo cách nào đó, Việt Nam đang ở vị thế tốt vì vấn đề đói nghèo cùng cực đã được loại bỏ. Độc lập với các xu hướng robot và tự động hóa, Việt Nam sẽ muốn đi lên trong chuỗi giá trị, chuyển sang các công đoạn có giá trị cao hơn. Tự động hóa sẽ thúc đẩy điều này.
- Việc áp dụng các công nghệ mới có khiến các nhà máy chuyển về các nước phát triển?
- Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy nhà máy quay về các nước phát triển. Chúng tôi lại thấy khi một công ty áp dụng tự động hóa, họ nhập khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào từ các nước đang phát triển để có thể mở rộng lắp ráp, sản xuất ngay tại nước sở tại.
- Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là cuộc đua với chính các nước trong khu vực. Việt Nam đang đứng đâu trong cuộc cạnh tranh này?
- Rõ ràng có sự cạnh tranh, nhưng đồng thời, Việt Nam cũng có thể coi khu vực là thị trường xuất khẩu rộng lớn có thể tận dụng.
Việt Nam là người đến sau trong quá trình mà các nước ở châu Á như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc, Malaysia - đã phát triển thông qua xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu có thu nhập cao hơn.
Mô hình phát triển này hấp dẫn vì không đòi hỏi trình độ cao hay phải là nước giàu, mà dựa vào người tiêu dùng giàu có ở các nước phát triển. Các nước đã kiếm nhiều tiền từ xuất khẩu và dùng doanh thu đó để tiếp tục phát triển.
Nhưng chúng ta đang trong thời đại căng thẳng thương mại, không chắc là thị trường xuất khẩu đó vẫn sẽ dồi dào cho Việt Nam và các nước đến sau trong quá trình.
Nói thế không có nghĩa là thương mại không còn ý nghĩa nữa. Nhưng xuất khẩu sang Mỹ có thể không còn bền vững lâu dài, Việt Nam nên tận dụng thị trường Đông Nam Á để xuất khẩu, một thị trường ngày càng quan trọng vì là thị trường rất lớn, lại có tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh.
Việt Nam đã có lựa chọn đúng đắn khi trở thành nền kinh tế mở nhất trong khu vực, với số lượng lớn các hiệp định thương mại. Đây là điều tốt cho một nền kinh tế có quy mô nhỏ.
- Các công ty lớn hưởng lợi nhiều hơn từ chuỗi giá trị toàn cầu, khi mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đạt được các yêu cầu về vốn, quy mô, chất lượng?
- Cho đến nay, Việt Nam đã khuyến khích kinh tế tư nhân và đó là bước đầu quan trọng cho việc tăng trưởng nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cũng thu hút các công ty đa quốc gia, và đây thường là các tập đoàn lớn.
Nghiên cứu cho thấy ở tất cả quốc gia, thương mại thường do các công ty lớn chiếm phần lớn. Do vậy, khi thúc đẩy thương mại và mở cửa, cuối cùng thì các công ty lớn luôn được lợi trong ngắn hạn, nên Việt Nam không phải ngoại lệ.
Như tôi đã nói ở trên, một số chính sách có thể giúp các doanh nghiệp trong nước kết nối, thu nhận nhiều hơn những lợi ích của toàn cầu hóa. Nhưng đến nay, những điều đó chưa thành hiện thực.
Các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn rất hạn chế, so với các nước như Malaysia, vốn nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.
- Doanh nghiệp trong nước sẽ phải làm gì để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu?
- Một số người nghĩ rằng chuỗi giá trị toàn cầu sẽ khiến các nước khó phát triển hơn, vì chuỗi giá trị toàn cầu phân mảnh quá trình sản xuất thành những công đoạn nhỏ. Cần phải làm sao để mọi mảnh ghép vừa khít với nhau, tức có chung tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng.
Nhiều người nghĩ rằng các nước đang phát triển sẽ gặp khó khăn vì không đáp ứng được các yêu cầu của công ty nước ngoài.
Nhưng thực tế lại khác. Một số nước đang phát triển đã tìm cách tham gia vào chuỗi giá trị, nhưng cách họ tham gia, trong một số trường hợp - Việt Nam cũng không ngoại lệ - là nhập khẩu các phụ kiện đầu vào từ nước ngoài để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Nếu muốn các doanh nghiệp trong nước kết nối được với các công ty đa quốc gia, cần có những thay đổi. Một là nâng cấp chất lượng. Những phụ kiện làm ra phải đáp ứng yêu cầu của các đối tác.
Thứ hai, nhiều công ty nội địa khá nhỏ và không hiệu quả. Nếu muốn đạt năng suất cao hơn và cạnh tranh ở tầm quốc gia lẫn quốc tế, có thể cần phải sáp nhập, để có quy mô lớn hơn.
Thứ ba, họ sẽ phải phát triển để giống các công ty quốc tế hơn. Chẳng hạn, các công ty đã vào được thị trường Mỹ và châu Âu đều nhận ra rằng người tiêu dùng quan tâm rất nhiều đến cách sản xuất, tiêu chuẩn môi trường, lao động.
Ở đây, chuỗi giá trị toàn cầu có thể tạo nên sự tốt đẹp. Trên thực tế, ở nhiều nước, chúng tôi ghi nhận các công ty đa quốc gia thường áp đặt các tiêu chuẩn lao động tốt hơn, tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn, kiểm soát, ngăn chặn lao động trẻ em, và tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường. Họ làm vậy một phần vì biết người tiêu dùng quan tâm.
- Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ cũng như cuộc chiến thương mại có làm gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu mà chúng ta đang có trong 20-25 năm qua?
- Theo tôi, chủ nghĩa bảo hộ là mối đe dọa nghiêm trọng hơn tự động hóa.
Đầu tiên, cách chủ nghĩa bảo hộ được tiến hành trong những năm qua hoàn toàn không thể đoán trước. Nhưng các doanh nghiệp muốn sự chắc chắn, ổn định. Khi ra quyết định, đặc biệt là về chuỗi giá trị toàn cầu, họ đang đầu tư dài hạn, với chi phí khổng lồ.
Nếu mỗi tháng đều đối mặt với những bất trắc, họ sẽ không muốn ra quyết định đầu tư dài hạn. Sự bất trắc liên tục đó không tốt cho chuỗi giá trị toàn cầu, không tốt cho tăng trưởng nói chung.
Một khía cạnh khác là có những dấu hiệu của việc các nước phát triển dừng nhập khẩu từ các nước đang phát triển.
Như đã nói, tôi không chắc rằng về lâu dài, thị trường Mỹ sẽ luôn dồi dào cho các nước như Việt Nam. Trong ngắn hạn, thị trường này vẫn tiềm năng.
Nhưng sẽ không như vậy mãi. Tôi cho rằng với Việt Nam, kinh tế mở là con đường duy nhất. Điều đó bao gồm “mở” đối với các nước láng giềng vốn đã giàu có, tiềm năng hơn, và tận dụng những thành quả đạt được như hiệp định thương mại.
- Nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực có đúng kỹ năng. Việt Nam phải cải cách như thế nào để giáo dục, đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường?
- Ở cấp phổ thông, Việt Nam đã làm tốt. Nhưng tiếp theo là giáo dục đại học, Việt Nam cần tạo thêm sự tự chủ.
Điều đó có nghĩa nhà nước có thể hướng dẫn chung và tạo cơ chế giám sát, nhưng nên để các đại học tự quyết về giáo trình, tuyển sinh, con số sinh viên. Khi ấy, các đại học sẽ phản ứng theo thực tế của thị trường.
Ngoài ra, giáo dục cũng bao gồm tập huấn trong công việc, mà các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức. Đào tạo, tập huấn như vậy nên có nhiều hơn.
Thành thật mà nói, tôi luôn ủng hộ việc giáo dục một cách có nền tảng. Vì đào tạo trong công việc phụ thuộc vào nhu cầu kỹ năng, nhưng thời đại chúng ta thay đổi chóng mặt, khó nói 10 năm nữa cần kỹ năng gì. Việc có một hệ thống giáo dục phát triển các kỹ năng tổng quát, toàn diện là việc quan trọng.
Nhắc tới đây, cần phải nói Việt Nam đạt kết quả tốt trong việc dạy đọc, toán và khoa học. Ở Mỹ và Việt Nam, chúng tôi đưa ra lời khuyên trái ngược. Ở Mỹ, chúng tôi khuyên dồn toàn lực vào STEM (nhóm ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán). Ở Việt Nam, lời khuyên của chúng tôi ngược lại: hãy toàn diện hơn, học kỹ năng mềm. Ngoài ra, việc đầu tư học ngoại ngữ cũng quan trọng.
- Trong chuyến công tác Việt Nam, bà có thấy điều gì làm bà liên tưởng tới chuỗi giá trị, là chủ đề mà bà tới đây để thuyết trình?
- Một điều làm tôi chú ý khi đi bộ quanh Hà Nội là quy mô nhỏ của mỗi doanh nghiệp hay hộ kinh doanh, như quán cà phê hay tiệm bán hàng. Có rất nhiều shop như vậy, nhưng đều rất nhỏ.
Suy rộng ra cho nền kinh tế, quy mô đó có thể là vấn đề, vì khi nhỏ lẻ thì thường năng suất không cao. Vậy cần phải cân bằng giữa việc bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ, phát huy tinh thần kinh doanh của người Việt, với việc tăng năng suất nhờ quy mô lớn hơn. Tất cả quốc gia đều gặp bài toán khó này.