|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Reuters: Trung Quốc đã thay Mỹ trở thành 'đầu tàu' của nền kinh tế toàn cầu?

13:17 | 07/11/2019
Chia sẻ
Trung Quốc đã thay Mỹ trở thành động lực chính của nền kinh tế toàn cầu, mang lại tỉ lệ đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây và kéo theo những nền kinh tế nhỏ hơn vào con tàu của họ, Reuters đưa tin.

Quốc gia châu Á này đóng góp 28% trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 5 năm từ 2013-2018, gấp 2 lần so với tỉ lệ đóng góp của Mỹ, theo Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

IMF dự báo Trung Quốc sẽ đóng góp tỉ lệ tương tự cho tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, từ 2019-2024, dựa trên báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF được công bố trong tháng 10/2019.

Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nga và Brazil sẽ đóng góp hơn một nửa tổng mức tăng trưởng toàn cầu cho đến năm 2024, dựa trên dự báo của IMF.

Screen Shot 2019-11-06 at 3

Nguồn: Reuters, Minh Tuấn việt hóa.

Theo phân tích từ IMF, nếu 5 nền kinh tế kể trên (nhất là Trung Quốc) không chứng kiến sản lượng và thu nhập tăng mạnh thì nền kinh tế toàn cầu không có cách nào để tăng trưởng lành mạnh.

Giải quyết xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc (hoặc ít nhất là cải thiện mối quan hệ) là điểm then chốt nếu muốn tăng trưởng toàn cầu tăng trở lại trong vài năm kế tiếp.

Lí thuyết đầu tàu

Trong những năm 1970 và những năm 1990, các chuyên gia thường xem Mỹ là "đầu tàu" của nền kinh tế thế giới, trích từ nghiên cứu "về lí thuyết đầu tàu trong kinh tế vĩ mô quốc tế" của tác giả Bronfenbrenner trong năm 1979.

Chính sách tài khóa và tiền tệ của Mỹ thường đóng vai trò quyết định trong giai đoạn phát triển của chu kì kinh tế toàn cầu thông qua liên kết thương mại và tài chính với các nền kinh tế nhỏ hơn.

Vai trò thống trị của Mỹ trong hệ thống toàn cầu được tóm gọn trong câu nói: "Khi Mỹ hắt hơi, cả thế giới cũng phải cảm lạnh".

Mỹ dù vẫn quan trọng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn là tâm điểm chú ý của thị trường toàn cầu, nhưng nền kinh tế Mỹ không còn đủ lớn hoặc không tăng trưởng đủ nhanh để đóng vai trò đầu tàu duy nhất của "con tàu kinh tế thế giới".

Trong khi đó, Trung Quốc và các nền kinh tế thị trường mới nổi khác hiện là những động lực quan trọng hơn của nền kinh tế toàn cầu.

Screen Shot 2019-11-06 at 3

Nguồn: Reuters, Minh Tuấn việt hóa.

Do đó, câu nói trên có lẽ nên được viết lại như sau "khi Trung Quốc hắt hơi" hoặc "khi các thị trường mới nổi hắt hơi, cả thế giới cũng cảm lạnh".

Trong khi đó, Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, vì Trung Quốc vừa là nhà nhập khẩu lớn các nguyên vật liệu thô nhưng cũng là nhà cung cứng các sản phẩm và đầu tư ra bên ngoài.

Đà giảm tốc theo chu kì của Trung Quốc trong năm 2014-2015 và 2018-2019 là những yếu tố chính khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc trong những năm đó và Trung Quốc vẫn sẽ đóng vai trò trung tâm đối với chu kì kinh tế toàn cầu trong 5 năm kế tiếp.

Các ngành công nghiệp trên toàn cầu

Vị thế theo chu kì của Trung Quốc cực kì quan trọng vì tầng lớp trung lưu ngày càng tăng trưởng nhanh chóng của quốc gia này đang trong giai đoạn phát triển mà nhu cầu dầu, xe cơ giới, du lịch hàng không, ngành du lịch và các ngành công nghiệp khác bùng nổ.

Nền kinh tế đang ở phần giữa của đường cong hình chữ S – trong đó, tăng trưởng về thu nhập thúc đẩy tăng trưởng về tiêu thụ các xe cơ giới và vận tải qua đường hàng không.

Chu kì của Trung Quốc đóng vai trò cực kì lớn trong sự sụt giảm của giá dầu trong năm 2014-2015 và cũng trong 2018-2019 qua viêc làm giảm tăng trưởng tiêu thụ dầu trong những năm đó.

Hiện nay, Trung Quốc cùng với Ấn Độ đang đóng vai trò tương tự trong sự suy giảm của hoạt động sản xuất xe hơi toàn cầu – một điều đang gây tổn thương đến các nhà sản xuất xe hơi và tác động đến cả chuỗi giá trị toàn cầu của ngành này.

Chưa hết, giá dầu thấp hơn còn tác động đến nguồn thu, chi tiêu Chính phủ và hoạt động đầu tư doanh nghiệp ở vùng Trung Đông và các khu vực phụ thuộc vào xuất khẩu dầu.

Sự suy giảm mang tính chu kì của giá dầu thậm chí còn tác động đến doanh thu, đầu tư và thị trường việc làm ở những khu vực sản xuất dầu tại Mỹ, như phía Tây Texas.

Chiến tranh kinh tế

Kể từ đầu năm 2018, Mỹ đã theo đuổi chính sách cố tình làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc để đáp lại những lo ngại về sự chuyển dịch về cán cân quyền lực kinh tế và hành vi thương mại không công bằng.

Các hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan, bao gồm các hạn chế khắc nghiệt hơn đối với việc tiếp cận thị trường, đầu tư, quyền sở hữu doanh nghiệp, danh sách đen về an ninh, các biện pháp trừng phạt và truy tố hình sự đã được sử dụng trong các nỗ lực của Chính phủ Mỹ.

Mục tiêu của Mỹ là buộc Trung Quốc thay đổi các chính sách công nghiệp, bao gồm cả trợ cấp, cho vay theo chỉ đạo của Nhà nước, bảo vệ sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường.

Mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn là kìm hãm sự phát triển của đất nước này và củng cố cán cân quyền lực toàn cầu hiện nay mà Mỹ đóng vai trò là đầu tàu, ít nhất là cho đến khi hệ thống chính trị của Trung Quốc trở nên đa nguyên và tự do hơn.

Với vai trò đầu tàu kinh tế toàn cầu của Trung Quốc, chiến tranh kinh tế chắc chắn sẽ khiến kinh tế thế giới giảm tốc trên diện rộng, một thực tế đã diễn ra trong năm 2018-2019.

Việc gây tổn thương cho nền kinh tế Trung Quốc rồi sẽ gây ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Mỹ, khi xét đến vai trò động lực tăng trưởng toàn cầu của Trung Quốc.

Kết quả là chính quyền Donald Trump bị buộc chọn lựa giữa tăng trưởng toàn cầu và cuộc chiến thương mại và đầu tư với Trung Quốc.

Đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, đà giảm tốc kinh tế là cái giá đáng phải bỏ ra để buộc Trung Quốc thay đổi chính sách kinh tế và ngăn chặn sự trỗi dậy về kinh tế của quốc gia này.

Thế nhưng, khi chỉ còn 1 năm nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trọng tâm giờ lại trở về thúc đẩy tăng trưởng và chính quyền Mỹ trông có vẻ muốn tiến tới thỏa thuận. 

Mỹ và Trung Quốc dường như muốn giảm bớt căng thẳng, ít nhất là tạm thời, để ngăn chặn suy thoái và thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2020.

Minh Tuấn