Rau quả Việt Nam, Thái Lan héo mòn vì chính sách 'Zero COVID' của Trung Quốc
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) 4 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt gần 1,2 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 626 triệu USD, giảm 28%, chiếm 53% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, giảm 9,9 điểm % so với cùng kỳ năm 2021.
Thực tế, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với hàng rau quả của Việt Nam trong nhiều năm qua, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải đối mặt với tình trạng không ổn định theo tình trạng đóng và mở tại các cửa khẩu với Trung Quốc.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng việc tăng dần xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch và giảm xuất khẩu tiểu ngạch là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào thị trường này cũng sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng trong thời gian tới.
Không riêng Việt Nam, rau quả của Thái Lan cũng đang héo mòn vì chính sách Zero COVID của Trung Quốc. Theo Hiệp hội các nhà kinh doanh và xuất khẩu trái cây tươi Thái Lan, xuất khẩu trái cây của nước này đang gặp nhiều trở ngại do những khó khăn liên quan đến vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc.
Cuối tháng 4 đến tháng 5 là cao điểm cho sản xuất và xuất khẩu trái cây Thái Lan, đặc biệt là sầu riêng và măng cụt. Tuy nhiên, lực lượng chức năng của Trung Quốc tại các cửa khẩu kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu để phòng chống dịch, tiến độ thông quan bị chậm trễ.
Gần đây, mỗi ngày chỉ có 20–30 container trái cây Thái Lan được thông quan qua hải quan Trung Quốc, trái ngược với mức trung bình 400– 500 container trước đây. Tình trạng này dự kiến sẽ tiếp diễn, ít nhất là đến tháng 6.
Hiện tại, vấn đề cấp bách nhất đối với ngành trái cây của Thái Lan là hàng loạt xe tải bị mắc kẹt tại các cửa khẩu biên giới, kéo theo giá nông sản của Thái Lan giảm từ tháng 5.
Trong đó, giá sầu riêng xuất khẩu dự kiến sẽ giảm từ 120 baht (3,49 USD)/kg xuống còn 100 baht (2,91 USD)/kg.