Ùn ứ nông sản: Nếu không nỗ lực, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà
Trả lời đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc và đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) về vấn đề ùn tắc nông sản, cửa khẩu đóng – mở, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết nguyên nhân của sự việc nêu trên là Trung Quốc áp dụng chính sách "Zero COVID" nên việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, thương nhân Việt Nam quen xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, khi chính sách phía bạn thay đổi nên gặp khó.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: "Nếu cứ làm theo cách cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy sẽ bị động. Do đó, ngành nông nghiệp, các địa phương cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường".
Về giải pháp trước mắt, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết tinh thần là "tắc đâu thì phải thông đấy". Bộ đã phối hợp với phía Trung Quốc tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...
Song về lâu dài, nông dân và doanh nghiệp phải thay đổi để "thích ứng với thiên hạ", chuyển từ xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.
Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới. Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Ở góc độ thương mại, ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "Thị trường Trung Quốc khó mấy cũng phải chinh phục. Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn, ta không có lý do gì mà không bán hàng.
Nếu không nỗ lực nâng cao năng lực, tiêu chuẩn sản xuất ứng với yêu cầu của thị trường thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà và trở thành tiêu thụ cho các nước khác".
Về phía Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết qua khảo sát ở các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, đồng thời đi vào vùng nguyên liệu sản xuất nông sản Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên... cho thấy "nếu không ùn ứ nông sản ở cửa khẩu, thì sẽ ùn ứ ở vùng trồng".
Do vậy, ùn tắc nông sản cần nhìn ở góc độ cung, cầu, tư duy sản xuất. Đây là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Nông sản cũng không phải sản phẩm công nghiệp khi thị trường tắc thì đưa vào kho. Thêm vào đó, việc 10 triệu hộ nông sản sản xuất trên 10 triệu thửa đất cho thấy nền nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng nhìn từ câu chuyện thành công trong phát triển nông nghiệp ở một số địa phương như Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương... sẽ thấy có sự sâu sát của lãnh đạo địa phương với nông sản, người nông dân của mình.
"Để khi nông sản ùn ứ thì mới tìm giải pháp là vấn đề khó, bởi vậy không thể để tình trạng sản phẩm đến vụ thu hoạch mới đi tìm thị trường. Làm sao nông nghiệp phải minh bạch, không mù mờ thông tin", ông Hoan nói.
Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể với sự tham gia của nông dân và sắp xếp lại ngành hàng với sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội.
"Ngoài ra, chúng ta bán sang Trung Quốc thì phải hiểu rõ thị trường này. Đây là những việc mà nông dân, doanh nghiệp cùng các cơ quan chức năng cần ngồi lại để đi chung một con đường, sản xuất nông nghiệp minh bạch gắn với xây dựng thương hiệu", ông Hoan nhấn mạnh.