|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Rau quả lên ngôi “vương”

20:49 | 29/09/2016
Chia sẻ
Thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do hạn và mặn, cùng diễn biến thị trường xuất khẩu nông sản đang thay đổi… là cơ sở để Bộ NN&PTNT định vị lại thứ tự ưu tiên sản xuất nông nghiệp.

Lựa chọn số một là thủy sản, kế đến là trái cây, lúa gạo ở vị trí thứ 3. Lần đầu tiên, rau quả được xác định là ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Điểm sáng của xuất khẩu nông sản

8 tháng qua, ngành hàng rau quả xuất khẩu được 1,57 tỷ USD, tăng 130% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng có giá trị lớn nhất trong các mặt hàng nông sản nói chung. Trong khi đó, xuất khẩu gạo bị sụt giảm 16% về lượng và 13% về giá trị, nên chỉ đạt 1,51 tỷ USD. Nhiều khả năng, mặt hàng rau quả sẽ vượt qua lúa gạo về kim ngạch năm nay. Riêng thủy sản, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, do dịch bệnh nên tốc độ tăng trưởng bị chậm lại (năm 2015 tăng trưởng âm về xuất khẩu). Vì vậy, có thể nói, từ đầu năm đến nay, rau quả là điểm sáng của xuất khẩu nông sản.

Nhìn lại thị trường xuất khẩu nông sản 10 năm qua, có thể thấy tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam rất lớn. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu rau quả mới đạt 305 triệu USD, nhưng năm 2013 đã vọt qua 1 tỷ USD và năm 2015 là 2,2 tỷ USD. Năm nay dự kiến 2,4 tỷ USD. Trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay, để nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ lực, Bộ NN-PTNT đã xác định lại vị thế cây trồng vật nuôi, trong đó, ưu tiên số một là thủy sản, rau quả ở vị trí thứ hai và là mặt hàng chủ lực xuất khẩu, cây lúa ở vị trí thứ ba - khẳng định những ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp trước đó là chính xác.

Năm 2007, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, Việt kiều Úc (lúc đó là chuyên viên Bộ Nông nghiệp bang New South Wales), cho biết cây lúa chiếm 74% diện tích đất nông nghiệp cả nước, với khoảng 7 triệu ha gieo trồng hàng năm (chủ yếu ở ĐBSCL), nhưng giá trị lợi nhuận mang lại trên đơn vị diện tích lại kém nhất, nên nông dân trồng lúa có thu nhập thấp nhất so với các loại cây con khác… Xét về hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng đất là chưa hợp lý. Vì vậy, việc định vị lại cây, con chủ lực là điều nên làm do dư địa rau quả còn rất lớn, lượng giao dịch toàn cầu hơn 100 tỷ USD/năm, trong khi lúa gạo khoảng 10 tỷ USD/năm. Nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi trên thế giới tăng bình quân 3,6%/năm, nhưng mức cung chỉ đạt 2,8%/năm (theo Tổ chức Lương nông - FAO của Liên hiệp quốc).

Trái cây - mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Có thể nói, kết quả này là quá trình từ nhiều phía, cả nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất, trong đó có sự góp sức âm thầm của ngành bảo vệ thực vật (BVTV). Để có thể xuất khẩu một loại trái cây nào đó vào thị trường khó tính như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhất là Mỹ, là cả quá trình.

rau qua len ngoi vuong
Chế biến trái cây xuất khẩu tại quận Tân Bình. Ảnh: CAO THĂNG

Năm 2008, Mỹ mở cửa thị trường thanh long, nhưng trước đó 4 năm, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (thuộc Cục BVTV, Bộ NN-PTNT) đến Mỹ tìm hiểu và tiến hành các bước đầu tiên để có thể đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Điểm chung của những thị trường khó tính là phải có chương trình tiền chứng nhận. Để xuất qua Mỹ trái thanh long, Việt Nam phải gửi danh sách dịch hại có trên trái này, qua đó hai bên phân tích nguy cơ để thống nhất danh sách đối tượng thực vật cấm cùng giải pháp loại bỏ. Để có chương trình tiền chứng nhận, phía Mỹ và Cục BVTV phải giám sát và lên danh sách mã số vùng trồng (bọc trái, sử dụng thuốc BVTV theo yêu cầu nước nhập khẩu, trồng theo chuẩn GAP), có mã số cơ sở đóng gói và nhà máy (chiếu xạ) xử lý trái trước khi xuất khẩu. Những loại trái cây khác tiếp tục được xem xét như chôm chôm năm 2011, nhãn và vải năm 2014 và cứ thế cuốn chiếu các loại trái cây khác.

Hiện Mỹ đã đồng ý nhập khẩu thanh long ruột trắng và ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và đang hoàn tất thủ tục nhập xoài vào cuối năm. Cũng với cách làm này, năm 2009, Nhật Bản mở cửa thị trường thanh long, rồi Hàn Quốc, Chilê, Úc, New Zealand. Hiện Nhật Bản cho nhập thêm xoài và dự kiến cuối năm nay là thanh long ruột đỏ. Năm 2015, có thêm lãnh thổ Đài Loan mở cửa nhập thanh long Việt Nam, ngoài ra có thêm trái vải. Mới đây là xuất thêm xoài qua Úc.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, dựa trên việc trồng tập trung, lợi thế cạnh tranh cao nên lúc đó trái thanh long được chọn để đột phá thị trường Mỹ (khi đó, chưa nước nào có thanh long hàng hóa, ngoài Việt Nam).

Năm 2013, Bộ NN-PTNT thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển thị trường rau - hoa - quả xuất khẩu; cũng năm này, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật được Quốc hội thông qua, Việt Nam đã có hàng rào kỹ thuật vững, ngang hàng với các nước tiên tiến, là công cụ để đàm phán với các nước khi mở cửa thị trường khó tính. Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống kiểm dịch thực vật và việc tái cơ cấu ngành là chìa khóa mở cánh cửa xuất khẩu rau quả thời gian gần đây. Nếu không có những bước này, việc xuất khẩu khó có thể phát huy thế mạnh của rau quả khi phụ thuộc nhiều vào thị trường bình dân như Trung Quốc...

Giá bình quân 1kg trái cây xuất khẩu vào thị trường khó tính cao gấp 4 - 5 lần, có loại, có lúc cao hơn 7 - 8USD/kg so với thị trường dễ tính. Làm ít, nhưng làm tốt và chất lượng nên hiệu quả cao hơn làm nhiều mà giá thấp. Đây là động lực để người dân tiếp cận phương pháp sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn, sản phẩm chất lượng, sạch hơn và bền vững hơn; giúp làm thay đổi tập quán, tư duy người trồng. Bên cạnh đó, chất lượng, thương hiệu và giá trị trái cây Việt được nâng lên.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phát triển thị trường xuất khẩu rau - hoa - quả mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, bộ sẽ phối hợp nhiều hơn với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao trong việc giúp mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là rau quả, như đưa nội dung mở cửa thị trường nông sản Việt vào các hội đàm cấp cao, nghiên cứu chi tiết các thị trường xuất khẩu rau quả tiềm năng, cũng như thị hiếu tiêu dùng của thị trường trọng điểm. Đồng thời, quy hoạch lại vùng nguyên liệu dựa trên nhu cầu thị trường, sức cạnh tranh, dư địa xuất khẩu lớn để có điều kiện đầu tư nhiều hơn về khoa học - công nghệ, giải quyết những vướng mắc kỹ thuật, đặc biệt là sâu bệnh.

Theo CÔNG PHIÊN

Báo Sài Gòn Giải Phóng