|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Rất ít nhà băng Mỹ phòng ngừa rủi ro lãi suất từ Fed, các chuyên gia nói như đánh một canh bạc

06:36 | 19/04/2023
Chia sẻ
Phân tích mới đây của một nhóm giáo sư kinh tế cho thấy rất nhiều ngân hàng tại Mỹ không phòng vệ rủi ro trước đà tăng của lãi suất chuẩn. Silicon Valley Bank chỉ là một trong nhiều trường hợp như vậy.

Silicon Valley Bank (SVB) không phải ngân hàng Mỹ duy nhất không phòng vệ giá đối với danh mục chứng khoán nợ. (Ảnh: Getty Images).

Rất ít ngân hàng Mỹ đã tự bảo vệ mình trước chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào năm ngoái, Wall Street Journal dẫn một phân tích gần đây cho biết.

Theo phân tích nói trên, rất nhiều nhà băng đã nắm giữ các chứng khoán nợ không được phòng vệ giá (unhedged securities). Xu hướng này phổ biến hơn rất nhiều so với những gì nhà đầu tư tưởng tượng.

Báo cáo cho rằng hàng trăm ngân hàng đã gặp phải rủi ro dẫn đến vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) hồi tháng 3. Các nhà nghiên cứu không nhắc đến tổ chức riêng lẻ nào, thay vào đó họ đã phân tích dữ liệu tổng hợp.

Tuần này, các nhà đầu tư sẽ có thêm thông tin về sức khoẻ của các ngân hàng Mỹ như Bank of America, Zions Bancorp và Comerica khi họ công bố báo cáo tài chính quý I.

Các nhà nghiên cứu là giáo sư từ Trường Kinh doanh Marshall, Trường Quản trị Kellogg, Trường Kinh doanh Columbia và Trường Kinh doanh Stanford cho sinh viên cao học cho biết không phải chỉ mình SVB và công ty mẹ SVB Financial từ chối bảo vệ tài sản của họ trước đà tăng của lãi suất chuẩn.

Tính chung toàn ngành, chỉ khoảng 6% tài sản của các nhà băng được bảo vệ bằng các hợp đồng hoán đổi lãi suất - loại hợp đồng mà một ngân hàng có thể mua để giảm bớt thiệt hại khi lãi suất tăng.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, ngay cả khi Fed tiếp tục kéo lãi suất đi lên trong suốt năm 2022, khoảng 25% ngân hàng đại chúng tại Mỹ đã thu hẹp quy mô phòng vệ giá.

Chẳng hạn, SVB đã phòng vệ khoảng 12% danh mục chứng khoán nợ vào thời điểm cuối năm 2021, nhưng chỉ làm tương tự với 0,4% danh mục vào cuối năm 2022. Các giáo sư mô tả hành động này giống một canh bạc.

“Các ngân hàng đó đã chấp nhận rủi ro lớn hơn. Điều này mang lại lợi nhuận cho các cổ đông của ngân hàng, nhưng gây thiệt hại cho cơ quan chịu trách nhiệm là Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC)”, các giáo sư viết.

Phân tích mới của các giáo sư được đăng tải lên Mạng lưới Nghiên cứu Khoa học Xã hội tháng này. Trước đó, vào tháng 3, họ đã công bố một bài viết khác, cho biết gần 200 ngân hàng có các khoản lỗ chưa thực hiện và nhiều người gửi tiền không được bảo hiểm tương tự như trong vụ SVB.

Chia sẻ với Wall Street Journal, giáo sư Tomasz Piskorski của Trường Kinh doanh Columbia, một trong các tác giả, nhận xét: “Các bạn có thể xem SVB như con chim hoàng yến trong mỏ than”.

Tình trạng hỗn loạn hồi tháng 3 nhắc nhở Phố Wall rằng lãi suất chuẩn tăng cao chắc chắn sẽ làm tổn hại đến giá trị thị trường của cổ phiếu, trái phiếu, các khoản cho vay và các tài sản tài chính khác do ngân hàng nắm giữ.

Trong một số trường hợp, lãi suất tăng còn có thể gây rủi ro về sức khoẻ và làm giảm uy tín của ngân hàng, kích hoạt làn sóng rút tiền gửi, đặc biệt là ở những khách hàng có số tiền gửi vượt giới hạn bảo hiểm 250.000 USD của FDIC.

Dù vậy, các nhà phân tích, nhà đầu tư và giám đốc ngân hàng cho biết có lý do khi nhiều nhà băng không tự bảo vệ mình trước đà tăng của lãi suất chuẩn. Ngân hàng thường được hưởng lợi khi Fed nâng lãi suất, vì họ có thể tính lãi cao hơn đối với các khoản cho vay.

Chẳng hạn, đối với M&T Bank, một trong những ngân hàng khu vực đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý I, thu nhập lãi thuần (NII) đã tăng hơn hai lần lên 1,82 tỷ USD trong ba tháng đầu năm 2023.

Ông Stephen Biggar, Giám đốc mảng nghiên cứu dịch vụ tài chính tại Argus Research, cho biết khi lãi suất chuẩn đi lên, NII tăng sẽ cung cấp một hàng rào phòng vệ tự nhiên chống lại tổn thất tiềm tàng đối với danh mục chứng khoán nợ của ngân hàng.

Ông nói đó là lý do nhiều ngân hàng không tự bảo vệ mình. “Ngân hàng vốn là các tổ chức nhạy cảm với lãi suất”, vị giám đốc nhấn mạnh.

Khả Nhân

Bầu Đức: Bằng mọi cách phải xóa lỗ lũy kế trong năm 2024
Công ty đặt kế hoạch lãi 1.320 tỷ đồng trong năm 2024 và sẽ hoàn nhập quỹ đầu tư phát triển 280 tỷ, con số này chưa thể giúp doanh nghiệp xóa lỗ lũy kế nhưng bầu Đức khẳng định sẽ bằng nhiều cách để xóa lỗ trong năm nay.