Rao bán nợ xấu nhìn từ vụ NEM: Đồng nát còn bán được huống chi là quần áo!
Thời trang NEM kinh doanh ra sao trước khi bị VietinBank siết nợ? | |
VietinBank bán khoản nợ 111 tỷ đồng của Chủ hãng thời trang NEM |
Đây là quan điểm của TS Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính, ngân hàng khi chia sẻ với PV Nhadautu.vn về khả năng thành công của các thương vụ rao bán nợ xấu trong bối cảnh thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam đang vào thời kỳ sôi động.
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính, ngân hàng. |
Thời gian gần đây, các ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản để thu hồi nợ. Theo ông, nguyên nhân xuất phát từ đâu?
TS Cấn Văn Lực: Có nhiều lý do cho thực trạng này và chủ yếu xuất phát từ quan hệ cung cầu. Thứ nhất, câu chuyện quản lý nợ xấu đang vào thời kỳ đỉnh điểm. Tháng 8 năm ngoái, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42, theo đó hiệu lực của Nghị quyết chỉ có 5 năm, yêu cầu các ngân hàng phải xử lý nợ xấu triệt để. Rõ ràng khi Nghị quyết được ban hành ra thì chúng ta được lợi rất nhiều trong việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là liên quan đến việc phát mại tài sản đảm bảo là khâu quan trọng trong quản lý nợ xấu.
Thứ hai, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1058 về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu ngày 9/7/2017, yêu cầu các ngân hàng phải xử lý nợ xấu nhanh, hiệu quả để đến năm 2020 đưa tỉ lệ nợ xấu (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu được bán cho VAMC xử lý, nợ xấu tiềm ẩn) xuống đến mức dưới 3%.
Thứ ba, thời gian vừa qua, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng cũng đã phát triển khá tích cực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng xử lý các nợ xấu tồn đọng, đặc biệt những nợ xấu liên quan đến bất động sản. Vì khi thị trường nóng lên thì việc xử lý các khoản nợ xấu là bất động sản diễn ra thuận lợi hơn.
Thứ tư là là Nghị quyết 42 của Quốc hội cho phép mua bán nợ xấu theo giá thị trường, các tổ chức tín dụng sẵn sàng bán nợ xấu, thậm chí chấp nhận giá thấp hơn so với giá sổ sách mà trước đây không làm được khi chưa có Nghị quyết 42 ban hành.
Đương nhiện, ngân hàng cũng như doanh nghiệp không ai muốn dây dưa với nợ xấu, nên tâm lý cũng muốn xử lý càng sớm càng tốt. Bởi nếu để khoản nợ xấu trên bảng cân đối tài sản thì cũng ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của hệ thống ngân hàng. Vì hằng năm, ngân hàng phải trích lập khoản phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu đó, kể cả những nợ xấu đã bán cho những công ty quản lý nợ xấu khác vẫn phải trích một khoản hằng năm là 20%.
Bán ồ ạt như vậy, liệu khả năng bán thành công có cao khi có những thương vụ rao bán nợ rất lâu nhưng vẫn chưa ai ngó ngàng tới?
TS Cấn Văn Lực: Nợ xấu cũng giống như hàng hóa, có khoản bán nhanh khoản bán chậm, khoản gặp khách hoặc chưa gặp khách. Những khoản lớn đương nhiên sẽ phải bán lâu hơn các khoản nhỏ, bởi khoản lớn thường số tiền lớn và người mua phải cân nhắc rất kỹ.
Khâu định giá tài sản hàng hóa cũng khá phức tạp tại Việt Nam, giá trị vô hình rất khó định giá và phải qua nhiều khâu quy trình khác nhau, khiến quá trình định giá sát với giá thị trường không phải dễ. Bên cạnh đó, quy trình này vẫn còn khá phức tạp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy thời gian vừa, qua động thái đã tốt hơn rất nhiều, ngân hàng cũng như doanh nghiệp đã xử lý được khá nhiều nợ xấu. Chẳng hạn, sau 1 năm Nghị quyết 42 ra đời, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 138.000 tỷ đồng nợ xấu, gấp 1,5 lần so với thời gian trước đây.
Rao bán những khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là các mặt hàng quần áo, giày dép… như trường hợp của thời trang NEM do Vietinbank rao bán mới đây sẽ phải gặp khó khăn gì, thưa ông?
TS Cấn Văn Lực: Đã có cung sẽ có cầu, có cầu sẽ có cung, vấn đề họ bán mức giá nào. Nếu bán giá thấp chắc chăn sẽ có người mua, vì người mua sẵn sàng bán lại để kiếm lời. Hình dung rằng, đồng nát còn bán được huống chi là quần áo, vấn đề là bàn giao cho ai, bán bao nhiêu và bán có đúng nhu cầu hay không. Đồng thời đòi hỏi thông tin đa chiều, minh bạch, trao đổi với nhau để đi đến mức giá phù hợp.
Thời trang NEM có khoản nợ hơn 111 tỷ, nhưng giá trị quần áo, giày dép… là tài sản đảm bảo chỉ hơn 30 tỷ đồng. Có nhiều ngân hàng cho phép tài sản đảm bảo ở mức thấp hơn so với vay nợ như vậy không?
TS Cấn Văn Lực: Tôi không rõ về chính sách tín dụng của Vietinbank, có thể họ có những tài sản đảm bảo khác mà chưa biết. Chẳng hạn như đất đai, giá trị thương hiệu, nhưng số hàng hóa bán ra trong kho có giá trị khoảng vài chục tỷ. Điều này là hết sức bình thường, bởi theo luật cho phép thế chấp tín dụng bằng hàng hóa động sản, trong đó có cả những hàng hóa quần áo, giày dép và hàng hóa trong kho. Giá trị của tài sản đảm bảo là bao nhiêu là sự thỏa thuận của hai bên, có thể sẽ đủ đối với khoản nợ hoặc có thể không đủ nhưng nó có một khoản thế chấp nào khác mà chúng ta chưa biết.
Hiện nay, họ chỉ cần thông báo bán những tài sản đảm bảo đã biết và không công bố những tài sản đảm bảo khác.
Cùng với việc các ngân hàng đua rao bán nợ xấu, thì hiện nay cũng xuất hiện các doanh nghiệp tư nhân thành lập công ty mua bán nợ. Ông đánh giá thế nào về trào lưu này?
TS Cấn Văn Lực: Đây là điều hết sức bình thường. Hiện nay có nhiều xu thế, một là các ngân hàng thương mại phải thành lập lại những công ty quản lý tài sản và mua bán nợ của bản thân ngân hàng mà trước đây đã được thành lập nhưng gần như không hoạt động. Hai là, có một số tổ chức, doanh nghiệp tư nhân thành lập công ty của riêng mình.
Cá nhân tôi khuyến khích việc này, bởi sẽ tạo nhiều người chơi trên thị trường. Tất nhiên phải đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp kinh doanh mua bán nợ. Khi có nhiều người chơi sẽ khiến cuộc chơi trở nên cạnh tranh hơn, và thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn.
Theo ông, tiềm năng thị trường mua bán nợ xấu trong thời gian tới sẽ đi theo hướng nào?
TS Cấn Văn Lực: Một trong những điều kiện quan trọng của Nghị quyết 42 và sau đó là hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ là yêu cầu Bộ Tài chính sớm thành lập thị trường mua bán nợ. Thị trường mua bán nợ không phải bây giờ mới có, đã có việc mua bán bình thường cũng như nợ xấu trong thời gian vừa qua nhưng chưa phải chính thức và còn tương đối manh mún, rời rạc. Nếu muốn chính thức hóa, cần phải có một thị trường mua bán nợ. Cần phải phát triển thị trường thứ cấp đối với việc mua bán nợ, kể cả việc mua bình thường và mua bán nợ xấu. Sau khi mua khoản nợ về, muốn bán cho người khác thì phải có thị trường thứ cấp.
Hiện nay, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được thuận lợi hơn khá nhiều sau Nghị quyết 42 Quốc hội ban hành vào tháng 6/2017 và có hiệu lực từ 15/8/2017, quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh lên.
Cơ chế chính sách về xử lý nợ xấu cơ bản cũng đã được ban hành. Cũng có những định chế như VAMC, các tổ chức tín dụng, các bên mua bán nợ xấu, thị trường mua bán nợ xấu đã manh nha hình thành, góp phần giảm tỉ lệ nợ xấu. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu giảm từ mức 17% vào tháng 9/2012 xuống 6,67% vào tháng 6/2018. Tỉ lệ này có thể giảm xuống dưới 3% theo định hướng của Chính phủ như đề án 1058 và theo quan điểm của tôi là khả thi.
Nhờ vậy, dòng tín dụng sẽ được khơi thông và tăng năng lực tài chính cho hệ thống các tổ chức tín dụng và đặc biệt góp phần tăng tín nhiệm quốc gia. Khi nợ xấu được xử lý nhanh hơn, tài chính ngân hàng mạnh hơn là điểm cộng cho các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, Fitch, giúp Việt Nam nâng hạng tín nhiệm và thực tế họ đã làm trong tháng 5 và tháng 8 vừa qua.
Sau khi Nghị quyết 42 được ban hành, sự vào cuộc của các ban ngành, chính quyền địa phương, các hiệp hội đã trách nhiệm hơn, thúc đẩy nhanh hơn việc xử lý nợ xấu.
Để việc xử lý nợ xấu được đồng bộ và quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nữa, theo tôi có 4 việc cần phải làm tiếp.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế về xử lý nợ xấu, những bộ, ban, ngành chưa ban hành hướng dẫn xử lý nợ xấu như liên quan đến thuế, việc xử lý tòa án, ưu tiên trả nợ khi thanh lý tài sản đảm bảo... cần phải có hướng dẫn ngay lập tức của các bộ, ban, ngành có liên quan.
Thứ hai, cần sớm hình thành chính thức thị trường mua bán nợ, sau đó là thị trường mua bán nợ thứ cấp để tạo nên tính thanh khoản, luân chuyển các khoản nợ, thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu theo giá thị trường tốt hơn.
Thứ ba, cho phép đa dạng hóa các công ty định giá tài sản nói chung và định giá nợ xấu nói riêng, kể cả nhà nước và tư nhân. Qua đó, giúp quá trình định giá nợ xấu và tài sản đảm bảo được nhanh hơn và sát hơn so với giá thị trường.
Thứ tư, tiếp tục tăng năng lực cho công ty mua bán nợ quốc gia VAMC, theo Nghị quyết 42 và chỉ đạo của chính phủ thì công ty này phải tăng năng lực và tài chính. Kế hoạch vốn điều lệ của VAMC là 2.000 tỷ nhưng hiện nay vẫn chưa được cấp và đến năm 2020 vốn điều lệ khoàng 10.000 tỷ. Đồng thời, phải tăng nhân sự có chất lượng cho VAMC, cần có cơ chế động lực cho cán bộ VAMC làm việc. Chẳng hạn, không truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như làm được, có thể khen thưởng nếu họ xử lý nợ xấu nhanh gọn, hiệu quả. Đặc biệt, VAMC phải chú trong phát triển hệ thống công nghệ thông tin, vì hiện nay chủ yếu làm việc khá thủ công khiến năng suất công việc không cao.
Cuối cùng, đòi hỏi sự vào cuộc và phối kết hợp của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 mới có thể đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Đến năm 2020 mới có thể đảm bảo đẩy tỷ lệ nợ xấu bán cho VAMC và các nợ tiềm ẩn xuống dưới 3% theo chỉ đạo của Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!