Thời trang NEM kinh doanh ra sao trước khi bị VietinBank siết nợ?
VietinBank bán khoản nợ 111 tỷ đồng của Chủ hãng thời trang NEM |
CTCP Thương mại NEM, vay nợ 500 tỷ đồng cuối năm 2016, gấp hơn 10 lần vốn chủ
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) vừa thông báo về việc bán khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo của CTCP Thương mại NEM. Thông báo cho biết, tính đến ngày 22/8 dư nợ khoản vay của công ty này tại VietinBank là gần 111 tỷ đồng, gồm gần 61 tỷ đồng dư nợ gốc và khoảng 50 tỷ đồng nợ lãi.
Tài sản bảo đảm là toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển (hàng thời trang: quần, áo, đầm...) của công ty. Tại thời điểm 30/6/2018, giá trị hàng tồn kho của công ty được ghi nhận là 33,9 tỷ đồng.
CTCP Thương mại NEM là một bộ phận thuộc “gia đình” thời trang NEM, thành lập từ tháng 1/2009 có địa chỉ trụ sở chính tại số 156 phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Trương Việt Bình, cũng là người sáng lập công ty. Hai đơn vị có liên quan là cửa hàng NEM Lê Thái Tổ và cửa hàng NEM Láng Hạ tại Hà Nội.
Cửa hàng NEM trên phố Láng Hạ |
Báo cáo tài chính của CTCP Thương mại NEM năm 2016 cho thấy doanh thu bán hàng đạt 219 tỷ đồng, tăng trưởng gấp rưỡi so với năm 2015; biên lợi nhuận hoạt động chỉ khoảng 7,6%. Trừ đi các khoản mục chi phí hoạt động, CTCP Thương mại NEM lỗ 2,7 tỷ đồng, năm trước đó cũng lỗ gần 2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thời điểm kết thúc năm 2016 tổng nợ phải trả của công ty ở mức 534 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn. Trong đó vay và nợ trên 395 tỷ đồng; vay nợ thuê tài chính 105 tỷ đồng; tổng cộng 500 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ đạt mức trên 52 tỷ đồng; nợ phải trả gấp hơn 10 lần vốn chủ sở hữu, tăng cao so với năm 2015.
Tính đến 31/12/2016, tổng giá trị hàng tồn kho của công ty gần 62 tỷ đồng. Tài sản dài hạn khác là 296 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản của công ty (587 tỷ đồng).
Chuỗi thời trang NEM - Quản lý tách rời ở nhiều công ty
Theo giới thiệu trên website (https://nemshop.vn), thời trang NEM là thương hiệu được thành lập từ năm 2002 với định vị ban đầu chuyên thiết kế và sản xuất thời trang cho phái nữ theo phong cách Pháp.
Từ một cửa hàng đầu tiên trên phố Hàng Lược, đến nay hệ thống của NEM đã mở rộng lên 59 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó tập trung nhiều nhất tại Hà Nội (16 cửa hàng) và TP HCM (7 cửa hàng) trên các tuyến phố lớn.
Theo giới thiệu của NEM, mỗi tháng thương hiệu này cho ra mắt trên 500 mẫu thời trang. Chiến dịch truyền thông bằng việc tài trợ độc quyền cho giới MC, người mẫu, người nổi tiếng. Tuy vậy những năm gần đây, hoạt động quảng bá rộng rãi của NEM có phần giảm sút đi nhiều.
Đại gia đình NEM hiện có nhiều doanh nghiệp có liên quan, mỗi công ty đảm nhiệm một vai trò riêng.
Trên trang web chính thức của thương hiệu NEM có gắn tên Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại An Thành có địa chỉ tại tầng 10, tòa nhà NEM, số 545 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội. Công ty hoạt động từ tháng 5/2017 cũng có người đại diện pháp luật là ông Trương Việt Bình, hoạt động chính trong lĩnh vực bán hàng may mặc. An Thành chịu trách nhiệm quản lý các chi nhánh NEM tại tỉnh như Ninh Bình, Lào Cai, Hòa Bình, Đà Nẵng, Kiên Giang, Huế, Quảng Bình.
CTCP Thời trang NEM thành lập tháng 7/2007 cũng dưới tên ông Trương Việt Bình hoạt động đa ngành hơn từ kinh doanh bất động sản, sản xuất giày dép, các sản phẩm từ da, lông thú cho đến bán buôn thiết bị điện tử… Công ty có địa chỉ tại lô đất số C1-1, KCN Đài Tư, phường Sài Đồng, Long Biên, TP Hà Nội. Công ty quản lý một chi nhánh tại số 51 Phan Bội Châu, Hà Nội.
Liên quan đến ông Trương Việt Bình còn một số doanh nghiệp khác như:
(1) Công ty TNHH Bình Lý hoạt động từ năm 1997, trụ sở tại số 302 phố Bạch Đằng, Hoàn Kiếm.
(2) Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Khánh Linh thành lập tháng 5/2017, trụ sở tại tòa nhà NEM, Long Biên.
(3) Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Thời Trang Bình Anh thành lập tháng 5/2017, trụ sở tại số 195-195A, đường Hai Bà Trưng, quận 3, TP HCM.
Các doanh nghiệp nói trên đều quản lý một vài chi nhánh cửa hàng thời trang NEM trên toàn quốc.
Bị Stripe International thâu tóm và tham vọng của đại gia thời trang Nhật Bản
Trong danh sách liên quan đến thương hiệu thời trang NEM, đáng chú ý có CTCP Stripe Việt Nam thành lập tháng 9/2017, địa chỉ trụ sở tại tòa nhà NEM, Long Biên.
Đây chính là pháp nhân được thành lập sau khi Stripe International Nhật Bản mua lại thời trang NEM, vốn điều lệ của công ty khi đó là 175 tỷ đồng. Thông tin từ Stripe Nhật Bản cho biết, Chủ tịch HĐQT của Stripe Việt Nam là ông Yasuharu Ishikawa (đồng chủ tịch tại công ty mẹ); tổng giám đốc là ông Tsutomu Harigae.
Cuối năm 2017, Stripe International thông báo thương vụ mua lại NEM |
Trong khi đó, theo thông tin trên Tổng cục thuế Việt Nam, người đại diện theo pháp luật và giám đốc của Stripe Việt Nam lại là ông Trương Việt Bình. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là hoạt động tư vấn quản lý, ngành phụ là sản xuất hàng may sẵn; sản xuất trang phục dệt kim, đan móc; sản xuất vali, túi xách và các loại tương tự, sản xuất yên đệm.
Stripe International từng cho biết việc mua lại NEM nằm trong kế hoạch tham gia thị trường Việt Nam và xa hơn là thị trường ASEAN với tiềm năng về dân số và tăng trưởng kinh tế.
Theo đánh giá của Stripe International tại thời điểm thâu tóm, NEM là hãng thời trang công sở lớn thứ 2 tại Việt Nam, tốc độ mở mới hơn 10 cửa hàng mỗi năm và doanh thu đạt mức tăng trưởng 20%/năm.
Sau khi mua lại NEM, Stripe International tin tưởng hãng thời trang Việt Nam này có khả năng đạt được kế hoạch doanh thu 26 triệu USD trong năm 2017 (khoảng gần 600 tỷ đồng).
Stripe International Inc là một trong những công ty bán lẻ quần áo thời trang hàng đầu tại Nhật Bản, thành lập từ năm 1995, với vốn điều lệ 100 triệu yên Nhật. Năm 2016, Stripe International đạt doanh thu trên 124 tỷ yên (gần 25.900 tỷ đồng), chững lại sau năm 2015 tăng trưởng khá tốt. |