|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Rải 300 đơn xin việc, 500 email trước khi thành kỹ sư Tesla

09:37 | 04/11/2024
Chia sẻ
Kỹ sư Ấn Độ Dhruv Loya được tuyển vào Tesla, vốn là mơ ước của anh, sau hành trình đi xin việc chật vật và kiên trì.

"Hơn 300 đơn xin việc, trên 500 email, 10 cuộc phỏng vấn và một đề xuất việc làm. Dù đã trải qua ba công việc thực tập, điểm số cao và hoạt động ngoại khóa tích cực, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bị thất nghiệp trong suốt 5 tháng", Dhruv Loya, kỹ sư phần mềm Ấn Độ sống ở Mỹ, kể trong bài đăng hồi giữa tuần về hành trình để được tuyển vào công ty của Elon Musk.

Loya cho biết đây anh đã trải qua nửa năm căng thẳng và chật vật, khi bị cắt hợp đồng thuê nhà và bảo hiểm sức khỏe, visa có nguy cơ không được gia hạn và có thể bị buộc rời khỏi Mỹ.

Dhruv Loya bên ngoài trụ sở Tesla. Ảnh: LinkedIn/dhruvloya

"Trong nhiều tháng, tôi phải sống nhờ những người bạn, ngủ dưới đất và tiết kiệm từng đồng. Hôm nay, tôi có thể tự hào nói mọi thứ đều xứng đáng. Tôi đã trở thành chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật tại Tesla", anh cho hay.

Dhruv Loya nhận xét thị trường việc làm ở Mỹ rất khắc nghiệt, đặc biệt với du học sinh nước ngoài. "Lời khuyên cho những ai đang gặp khó khăn là hãy coi quá trình xin việc cũng như một công việc thực sự, bảo đảm nghỉ ngơi mỗi tối và cuối tuần, làm những gì mình thích. Tôi hiểu đây là hành trình rất mệt mỏi về tinh thần, hãy luôn tích cực và tin mọi chuyện rồi sẽ ổn", anh viết.

Bài viết hiện thu hút hơn 160.000 lượt like, gần 5.000 bình luận và hàng trăm lượt chia sẻ trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn.

"Cảm ơn Dhruv Loya vì chia sẻ trải nghiệm của mình. Nó đã nhóm lại ngọn lửa hy vọng tôi đã đánh mất sau nhiều tháng xin việc", một người viết.

Làn sóng sa thải công nghệ kéo dài từ năm 2023 đến nay tại Mỹ đã khiến nhiều kỹ sư nước ngoài cảm thấy "rơi vào tình trạng lấp lửng khó chịu", khi gửi hàng trăm đơn xin việc để kịp gia hạn thị thực nhưng không phải ai cũng thành công như Loya.

Trên LinkedIn và các mạng xã hội việc làm, từ khóa "sa thải H-1B" trở thành chủ đề thu hút hàng nghìn người quan tâm. Đây là loại visa được cấp cho du học sinh và chuyên gia có tay nghề cao đến Mỹ. Nếu mất việc, những người này phải tìm việc mới hoặc xin đi học trong vòng vài tháng, nếu không sẽ bị trục xuất. Quy định tạo gánh nặng lên vai hàng chục nghìn kỹ sư nước ngoài khi họ phải cạnh tranh lẫn nhau và với cả nhân sự bản địa.

"Như một cơn ác mộng", Sushant Arora, người Ấn Độ, nói trên WSJ năm ngoái. "Kể từ khi bị sa thải, tôi đã nộp từ 500 đến 600 đơn xin việc nhưng chỉ có ba nơi gọi phỏng vấn". Arora nhận bằng thạc sĩ về quản lý dự án tại Mỹ vào năm 2021 và gia nhập một công ty phân tích dữ liệu ở Boston. Sau khi mất việc, anh thừa nhận mình không hề kén chọn và sẵn sàng đón nhận bất cứ cơ hội nào.

Trái với tâm trạng của những người mất việc, các nhà đầu tư lại coi chiến lược cắt giảm nhân sự là tín hiệu tích cực. Theo giáo sư Jeff Shulman tại Trường Kinh doanh Foster thuộc Đại học Washington, sa thải diễn ra khi công ty nhỏ cạn nguồn tiền mặt, còn doanh nghiệp lớn nhận thấy việc tinh gọn giúp vận hành tốt hơn.

"Thị trường chứng khoán thường chuyển biến tích cực sau mỗi đợt điều chỉnh nhân sự, vì thế các công ty không có lý do gì để dừng lại. Họ muốn làm hài lòng nhà đầu tư", Shulman nói với NPR. "Làn sóng sa thải thậm chí là sự bắt chước lẫn nhau".

Điệp Anh