|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quyết liệt thu hồi nợ thuế những tháng cuối năm

21:35 | 27/10/2019
Chia sẻ
Ngành Thuế đang quyết liệt thực hiện các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, nhằm kéo giảm tỷ lệ nợ thuế xuống mức thấp nhất.
Quyết liệt thu hồi nợ thuế  những tháng cuối năm - Ảnh 1.

Để quản lý nợ thuế, cơ quan Thuế các cấp đang tiếp tục đánh giá, phân loại, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thu nợ phù hợp. Ảnh: T.Linh.

Tập trung đôn đốc thu hồi nợ

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế nợ tính đến cuối tháng 9/2019 là 80.786 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018, giảm 2,4% so với thời điểm 31/8/2019. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 41.472 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51,3% tổng số tiền thuế nợ, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2018, giảm 5% so với thời điểm 31/8/2019. 

Đáng chú ý, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh là 39.314 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,7% tổng tiền thuế nợ, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, toàn ngành Thuế đã tập trung đôn đốc thu hồi nợ thuế, do vậy, số tiền nợ thuế thu được đã tăng so với cùng kỳ. 

Tính đến cuối tháng 9/2019, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ tại thời điểm 31/12/2018 đạt 24.767 tỷ đồng, bằng 63,9% tổng nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 15.803 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 8.964 tỷ đồng.

Để quản lý nợ thuế, cơ quan Thuế các cấp đang tiếp tục đánh giá, phân loại, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thu nợ phù hợp. Đồng thời, ngành Thuế thực hiện triệt để các biện pháp thu hồi nợ thuế của cơ quan quản lý thu đã đề ra như: Trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu hồi giấy phép kinh doanh và công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Những biện pháp này đặc biệt tập trung đối với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế. Cơ quan Thuế các cấp cũng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn trong việc thu hồi nợ đọng thuế; thành lập ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng, tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý.

Giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2019, thu hồi đầy đủ kịp thời tiền nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước, phấn đấu đạt chỉ tiêu nợ đọng thuế Chính phủ và Bộ Tài chính giao, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng các cục thuế tập trung chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp xử lý, đôn đốc, cưỡng chế nợ và công khai trên phương tiện truyền thông các doanh nghiệp dây dưa, chây ì nợ thuế. Đảm bảo đến cuối năm 2019 giảm tỷ lệ nợ đọng thuế trên địa bàn xuống dưới mức 5% so với số thực thu vào ngân sách nhà nước năm 2019.

Tổng cục Thuế cũng đã giao chỉ tiêu giảm nợ phải đạt được trong 3 tháng cuối năm 2019 và tổng số tiền thuế nợ phải đạt được tại thời điểm ngày 31/12/2019 cho từng cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng cục Thuế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phân công nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc và thuộc, đến từng cán bộ lãnh đạo và từng công chức chịu trách nhiệm thu hồi nợ đọng thuế đối với từng doanh nghiệp để kịp thời thu hồi số tiền nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước và không để phát sinh nợ mới.

Các cục thuế cũng phải tổ chức theo dõi đôn đốc thu sát tình hình kê khai của người nộp thuế, rà soát, cảnh báo người nộp thuế kê khai không đúng, chưa đủ, điều chỉnh kịp thời các trường hợp người nộp thuế kê khai sai, không đúng mục lục ngân sách nhà nước, không để xảy ra trường hợp đã hoàn thành dự toán thu mà không đôn đốc thu kịp thời sát số phát sinh, không để tăng nợ đến 90 ngày trong những tháng cuối năm.

Để xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi, Bộ Tài chính đã và đang hoàn thiện về cơ chế chính sách để xử lý nợ, trong đó đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ, xóa nợ thuế, khoanh nợ thuế, xử lý nợ thuế trong Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 để phù hợp với thực tế phát sinh và theo thông lệ quốc tế, quản lý thu hiệu quả số tiền nợ thuế. 

Đối với các khoản nợ thuế không còn khả năng thu, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước sẽ được Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thùy Linh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.