|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quyết định của FED ảnh hưởng thế nào đến lãi suất VND?

07:27 | 17/03/2017
Chia sẻ
Ngày 15/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đồng USD 0,25% lên 0,75-1%. Tác động đối với kinh tế Việt Nam là đáng chú ý.
quyet dinh cua fed anh huong the nao den lai suat vnd
Việc FED tăng lãi suất USD được dự báo ít tác động đến tỷ giá USD/VND (Ảnh: VnEconomy)

Ngay sau động thái của FED, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngay lập tức nâng lãi suất trên thị trường mở 0,2% cho kỳ hạn 7 ngày. PBOC có nói đến quyết định của FED là một nguyên nhân của việc nâng lãi suất nhằm giữ đồng Nhân dân tệ không bị mất giá.

Đây là một nguyên nhân nhưng không phải chính yếu. PBOC có những lý do khác quan trọng hơn để thắt chặt tiền tệ, đó là lạm phát cao, tăng trưởng tín dụng nhanh và thị trường bất động sản tăng nóng. Ngay cả khi FED giữ nguyên lãi suất, PBOC vẫn sẽ phải nâng lãi suất.

Với Việt Nam, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), việc cả FED và PBOC - hai tổ chức tài chính của hai quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất nhì với Việt Nam, thay đổi lãi suất này được sẽ ít ảnh hưởng đến lãi suất tiền VND trong thời điểm hiện tại.

“Việt Nam đặc biệt hơn là còn sử dụng cơ chế kiểm soát dòng ngoại tệ nên rủi ro bị rút vốn làm ảnh hưởng đến đồng nội tệ thấp hơn so với các nước châu Á khác. Thị trường ngoại hối kể từ khi FED nâng lãi suất tháng 12/2016 có chiều hướng ổn định trở lại với tỷ giá tự do giảm 1,9%. Ngân hàng Nhà nước ngược lại đã chủ động điều chỉnh tỷ tham chiếu thêm 0,6%, giảm bớt áp lực tỷ giá khi FED nâng lãi suất trong tuần này”, ông Linh cho hay.

Theo vị này, lãi suất VND phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố nội tại của Việt Nam mà một yếu tố quan trọng là thanh khoản hệ thống ngân hàng. Tín dụng trong tháng đầu năm đã tăng nhanh hơn huy động, cụ thể tăng trưởng tín dụng tháng 1 là 1,75%, cao nhất 5 năm còn huy động giảm 1,6%, thấp nhất 5 năm. Nếu tín dụng và huy động tiếp tục lệch pha kéo dài, hệ quả tất yếu là thanh khoản giảm và lãi suất sẽ tăng.

Các yếu tố khác ảnh hưởng đến lãi suất là lạm phát và nhập siêu cũng đang tăng. CPI tháng 2 tăng 0,69% (cùng kỳ tăng +0,42%) còn nhập siêu của 2 tháng là 800 triệu USD, trong khi cùng kỳ xuất siêu 675 triệu USD.

“Chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ nên tiếp tục giữ theo hướng cân bằng tăng trưởng tín dụng với huy động dựa trên nền tảng cán cân thanh toán tổng thể dương nhằm ổn định lãi suất và tỷ giá”, đại diện SSI cho hay.

Thực tế ngay sau khi FED tăng lãi suất, trái ngược với động thái bán ròng liên tiếp trước đó, phiên 16/3, dòng tiền ồ ạt vào thị trường khiến cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều tăng điểm. Khối ngoại cũng hào hứng khi chi tới gần 200 tỷ đồng mua ròng trên HOSE. Con số này được giới đầu tư lấy ra để minh chứng cho việc lãi suất USD tăng đã phản ánh vào thị trường từ trước.

Tuy nhiên, động thái mua ròng này của khối ngoại không liên quan đến quyết định của FED, bởi danh mục được mua nhiều nhất là NVL - mã cổ phiếu vừa được thêm vào danh mục VNM ETF trong lần đảo danh mục đầu tiên năm 2017.

Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello nhận định, năm 2017 rất khó để Việt Nam kiểm soát được lạm phát dưới 4%, tăng trưởng tín dụng 17-18% và tỷ giá sẽ tăng từ 1-2%.

“Triển vọng kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh dưới thời tân tổng thống Donald Trump, cùng dự báo FED nâng lãi suất 3 lần trong năm sẽ khiến đồng USD tăng giá so với đa số các đồng tiền trên thế giới bao gồm Việt Nam đồng”, báo cáo nêu.

MarketIntello nhận định, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng quay trở lại Mỹ và các nước phát triển và TPP rơi vào bế tắc, Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút vốn ngoại. Bở FED tăng lãi suất, các dòng tiền có xu hướng “hồi hương” về quốc gia này để hưởng mức lãi suất hấp dẫn hơn.

Bạch Dương

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.