|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quyền phân phối thuốc tại Việt Nam: 'Cửa' đã rộng mở cho nhà đầu tư ngoại

08:50 | 12/08/2019
Chia sẻ
Theo Cục Quản lí Dược, ngành dược sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới và đạt quy mô 7,7 tỉ USD vào năm 2021.
Quyền phân phối thuốc tại Việt Nam: 'Cửa' đã rộng mở cho nhà đầu tư ngoại - Ảnh 1.

Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho phạm vi nhập khẩu thuốc theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP. Điều này mở ra kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia nhập khẩu và phân phối nhiều hơn trong thời gian tới.

Bộ Y tế vừa có quyết định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho phạm vi nhập khẩu thuốc theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08-5-2017 của Chính phủ cho Công ty TNHH Sanofi-Aventis Việt Nam (Sanofi Việt Nam). Theo đó, Sanofi là tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đầu tiên tại Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu thuốc.

Điều này đã mở ra kỳ vọng giúp các nhà đầu tư 100% nước ngoài có thể tham gia hoạt động nhập khẩu và phân phối dược tại thị trường Việt Nam ngày một nhiều hơn trong thời gian tới.

Thông tin từ Cục Quản lý dược, ngành Dược sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới và đạt quy mô 7,7 tỷ USD vào năm 2021. 

Việc Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quyền nhập khẩu thuốc sẽ giúp người bệnh có cơ hội tiếp cận các sản phẩm - dịch vụ y tế chất lượng cao.

Điều này cũng cho thấy, tính "cởi mở" hơn của thị trường y tế. Điều này tạo sức hút cho các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực y tế, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết đi vào thực tiễn, gần đây nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Theo quy định tại Nghị định 54, định nghĩa về quyền phân phối thuốc đã được mở rộng sang cả lĩnh vực kho bãi và vận chuyển. Chính vì vậy, điều này đã ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm tại thị trường Việt Nam.

Còn nhớ, ngay tại thời điểm khi Nghị định 54 được ra đời đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. 

Do, các công ty dược phẩm đa quốc gia chỉ có lựa chọn hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức Văn phòng Đại diện hoặc Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dược phẩm tại Việt Nam. Bởi, việc phân phối dược dành riêng cho các công ty 100% vốn trong nước.

Quy định này khiến cho các "công ty nước ngoài đã hoạt động ở Việt Nam hơn hai thập kỷ không thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ kho bãi và vận chuyển tại Việt Nam nữa", đại diện EuroCham đã từng nêu quan điểm tại Diễn đàn VBF 2018.

Trước quy định được cho là "ngặt nghèo" này, vào thời điểm đó hoặc sau này, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đều lựa chọn cách hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để phân phối dược phẩm.

Ngọc Hà