|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quy mô nền kinh tế Saudi Arabia lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD

10:49 | 26/09/2023
Chia sẻ
Liên đoàn Các phòng Thương mại và Công nghiệp Saudi Arabia (FSC) cho biết nền kinh tế Saudi Arabia đã đạt được cột mốc quan trọng khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD.

Quang cảnh thủ đô Riyadh của Saudi Arabia về đêm. (Ảnh: Shutterstock).

Liên đoàn Các phòng Thương mại và Công nghiệp Saudi Arabia (FSC) cho biết nền kinh tế Saudi Arabia đã đạt được cột mốc quan trọng khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD.

Hãng thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia ngày 25/9 dẫn báo cáo của FSC cho hay GDP của quốc gia Trung Đông giàu dầu mỏ này đã đạt 4.150 tỷ SR (1.110 tỷ USD) trong năm 2022, đáp ứng các mục tiêu của Chính phủ Saudi Arabia.

Theo báo cáo của FSC, kinh tế Saudi Arabia đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8,7% trong năm 2022, ghi dấu mức cao nhất trong số các quốc gia thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Trong năm ngoái, đóng góp của khu vực tư nhân vào nền kinh tế Saudi Arabia đã tăng lên 1.630 tỷ SR (gần 436 tỷ USD), tương đương 41% GDP, tăng 5,3% so với năm trước đó.

Việc thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực tư nhân phi dầu mỏ là một chương trình nghị sự quan trọng trong kế hoạch "Tầm nhìn 2030" của Saudi Arabia, giữa lúc nền kinh tế nước này đang giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Báo cáo của FSC cho biết thêm, đầu tư của khu vực tư nhân trong năm 2022 tăng 32,6% so với năm 2021, đạt 907,5 tỷ SR (242,7 tỷ USD), trong khi số lao động (chủ yếu là lao động nước ngoài) làm việc trong khu vực tư nhân tăng từ 8,08 triệu năm 2021 lên 9,42 triệu vào năm 2022.

Trong đó, số lao động người Saudi Arabia làm việc trong khu vực tư nhân tăng từ 1,91 triệu năm 2021 lên 2,19 triệu vào năm 2022.

FSC đánh giá cao sự thành công của Saudi Arabia trong nỗ lực đa dạng hóa kinh tế, đồng thời cho hay giá trị xuất khẩu phi dầu mỏ của nước này trong năm ngoái đạt 315,7 tỷ SR (hơn 84,4 tỷ USD), chiếm 20,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hồi đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá triển vọng tài chính của Saudi Arabia sẽ rất vững chắc trong thời gian tới, nhờ các đòn bẩy của kế hoạch "Tầm nhìn 2030" nhằm đa dạng hóa nền kinh tế. Theo IMF, Saudi Arabia có đủ các nguồn dự trữ phòng ngừa và việc neo tỷ giá hối đoái với đồng USD đã phục vụ tốt cho nền kinh tế của quốc gia Trung Đông này.

Nguyễn Trường