|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quy định mức trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng

16:30 | 13/07/2024
Chia sẻ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 86/2024/NĐ-CP ngày 11/7/2024 quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu phải thoái.

Nghị định số 86/2024/NĐ-CP quy định mức trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng.

Nghị định quy định tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nợ nhóm 5 của tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tài chính vi mô), chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:

Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn): 0%; Nhóm 2 (Nợ cần chú ý): 5%; Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn): 20%; Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ): 50%; Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn): 100%.

Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nợ nhóm 5 của tổ chức tài chính vi mô như sau:

Nhóm 1: 0%; Nhóm 2: 2%; Nhóm 3: 25%; Nhóm 4: 50%; Nhóm 5: 100%.

Mức trích lập dự phòng chung

Nghị định quy định đối với tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tài chính vi mô), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, số tiền dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nợ nhóm 4, trừ các khoản sau đây:

- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật và tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở nước ngoài;

- Khoản cho vay, mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;

- Khoản mua chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước;

- Khoản mua bán lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán;

- Các khoản nợ khác phát sinh từ hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Đối với tổ chức tài chính vi mô, số tiền dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,5% tổng số dư các khoản nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nợ nhóm 4 (không bao gồm tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật).

Thời điểm trích lập dự phòng rủi ro

Nghị định quy định Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích lập dự phòng rủi ro như sau:

Trong 7 ngày đầu tiên của tháng, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích lập dự phòng cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề căn cứ nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn giữa:

Nhóm nợ theo kết quả tự phân loại nợ cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; và

Nhóm nợ đã được điều chỉnh theo nhóm nợ của danh sách khách hàng do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cung cấp theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm gần nhất.

Nghị định nêu rõ đối với tháng đầu tiên của quý, trong 03 ngày kể từ ngày nhận được danh sách khách hàng do CIC cung cấp cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ kết quả phân loại nợ đã được điều chỉnh theo nhóm nợ của danh sách khách hàng do CIC cung cấp theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để điều chỉnh số tiền trích lập dự phòng rủi ro cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề và thể hiện số tiền trích lập dự phòng rủi ro này trên báo cáo tài chính cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề.

Tổ chức tín dụng là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô thực hiện trích lập dự phòng rủi ro như sau: Trong 07 ngày đầu tiên của tháng, tổ chức tín dụng là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô căn cứ kết quả phân loại nợ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của tổ chức tín dụng là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô để thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề.

 

 

 

 

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Nhi

[LIVE] Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’
Những thông tin cập nhật bối cảnh thị trường, dự báo xu hướng dòng tiền vào bất động sản... sẽ được đưa ra thảo luận tại Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’ phát sóng vào 14h30 ngày 30/10.